Trong những năm qua, các "cậu ấm, cô chiêu" Trung Quốc được nhớ đến với hình ảnh tạo dáng bên cạnh những chiếc Bentley và Lamborghini đời mới, khoe tiền trên mạng xã hội và tặng cho thú cưng đồng hồ Apple bằng vàng.
Nhưng giờ, dù vẫn sắm đồ xa xỉ và lái xe sang, hội nhà giàu Trung Quốc hiểu rằng tốt nhất họ nên bớt khoa trương để tránh rắc rối. Trong vài năm qua, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu nhắm vào các tỷ phú.
"Chúng tôi phải thay đổi cách cư xử sau khi chứng kiến gia đình bạn bè bị bắt và bỏ tù", anh Tu Haoran, 32 tuổi, nhà sáng lập công ty DJ lớn nhất Trung Quốc Fantasy Entertainment, thừa nhận. "Từ năm 2016, xung quanh tôi xảy ra quá nhiều vụ án. Bạn không cần phải cho cả thế giới biết rằng bạn kiếm được tiền", Bloomberg dẫn lời anh Tu chia sẻ.
Doanh nhân Tu Haoran, 32 tuổi, nhà sáng lập DJ Fantasy Entertainment. Ảnh: Bloomberg.
Tiêu xài hoang phí
Tình hình ngày càng trở nên bấp bênh với giới siêu giàu Trung Quốc. Nền kinh tế thứ hai thế giới đang tăng tốc mạnh mẽ, nhưng cũng là một trong những nền kinh tế bất bình đẳng nhất. Chính quyền nước này tuyên bố đẩy mạnh nỗ lực nhằm đảm bảo sự bình đẳng ở quốc gia 1,4 tỷ dân. "Thịnh vượng chung" là mục tiêu quan trọng của Bắc Kinh.
Đó là vấn đề đối với những cậu ấm cô chiêu, hay còn được gọi là "phú nhị đại", tức thế hệ con cái của giới nhà giàu mới nổi ở đất nước tỷ dân. Cha mẹ họ trở nên giàu có trong thời kỳ bùng nổ kinh tế của Trung Quốc, sớm tiếp cận thị trường nước ngoài, đánh chiếm các ngành công nghiệp mới, xây dựng danh mục đầu tư khổng lồ trên thị trường chứng khoán và bất động sản non trẻ.
Đó là thời kỳ mà mọi người đều giàu có hơn. Nhưng gia đình họ là những người đi trước.
Theo báo cáo được Credit Suisse công bố hồi tháng 10, tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo "tăng khá nhanh" sau khi Trung Quốc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Năm 2019, Trung Quốc có 5,8 triệu triệu phú và 21.100 cư dân sở hữu tài sản trên 50 triệu USD, nhiều hơn tất cả quốc gia ngoại trừ Mỹ.
Các "phú nhị đại" sinh ra và lớn lên hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của xã hội.
Các "phú nhị đại" của Trung Quốc có cuộc sống tách biệt với phần còn lại của xã hội. Ảnh: Bloomberg.
Anh Huang, 25 tuổi, không biết bản thân giàu có cho đến khi học về tài chính tại cơ sở Thượng Hải của Đại học New York. Cha anh kiếm hàng trăm triệu NDT từ các khoản đầu tư vào ngành chăm sóc sức khỏe bùng nổ những năm 1990. Cả tuổi thơ, anh Huang cũng chỉ chơi với những bạn bè giàu có giống mình.
"Tôi đã: 'Ồ, tôi không biết mình giàu đến mức này'. Tôi có thể không cần làm việc cả đời", anh Huang nói. Sau khi tốt nghiệp, anh thành lập một quỹ đầu tư cùng với một vài người bạn. Quỹ được cha mẹ họ ủng hộ và một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất Trung Quốc rót vốn.
"Trước đây, tôi mua một chiếc áo sơ mi Dior vì nghĩ nó sẽ khiến tôi sang trọng hơn. Nhưng bây giờ, tôi muốn chiếc áo đó trông giá trị hơn khi tôi mặc nó", anh chia sẻ. "Thế hệ trẻ giàu có ngày nay rất khác so với những người lớn lên trong những năm 1980. Hầu hết bạn bè xung quanh tôi đều biết họ đang làm gì, thay vì chỉ biết tiêu tiền của bố mẹ", anh Huang khẳng định.
Tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng nghiêm trọng tại Trung Quốc.
Đối với phần lớn người Trung Quốc không "sinh ra đã ngậm thìa vàng", việc chen chân vào giới thượng lưu ngày càng khó khăn hơn. Theo báo cáo năm 2018 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, những người sinh ra ở nhóm 10% nghèo nhất Trung Quốc phải mất 7 thế hệ mới đạt được mức thu nhập trung bình. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, con số này lần lượt là 5 và 4.
Theo chỉ số của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Trung Quốc đạt điểm cao về khả năng tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục ở khu vực nông thôn vẫn còn kém. Mức lương trong ngành này cũng tương đối thấp.
Tình trạng trên làm gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh nhằm tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người so với năm 2010 cho đến năm 2021. Hồi tháng 5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiết lộ 600 triệu người Trung Quốc, tức gần 50% dân số, đang sống với thu nhập hàng tháng 1.000 NDT (tương đương 150 USD). Đó là con số gây sốc đối với một đất nước sản sinh ra ít nhất một tỷ phú mỗi tuần.
Kiểm soát giới nhà giàu
Trong cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19, hàng chục triệu người lao động có thu nhập thấp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn các đối tượng khác. Điều đáng nói là chi tiêu hàng xa xỉ phục hồi nhanh hơn những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và đồ gia dụng. Như vậy, giới nhà giàu vực dậy sớm hơn phần còn lại.
Khi nhà sáng lập Alibaba Jack Ma trở thành tỷ phú vào năm 2014, ông được tung hô là "người tạo ra của cải và việc làm". Nhưng mới đây, ở Trung Quốc, nhiều người vui mừng khi đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trị giá 35 tỷ của Ant Group bị hoãn. Nguyên nhân được cho là tỷ phú Ma thách thức chính phủ Trung Quốc.
Nhiều "phú nhị đại" nhận thức được rằng đi ngược với các chính sách của Bắc Kinh là cách nhanh nhất để mất tất cả. "Tôi và những người bạn của tôi có một mong muốn chung là tạo ra tài sản của riêng mình, thay vì ngồi không lo sợ tài sản của bố mẹ bị mất đi", anh Wang, con trai của một tỷ phú truyền thông, tiết lộ.
Các đề xuất thuế đối với tài sản thừa kế đã được Bắc Kinh thảo luận trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa thực hiện vì lo ngại làm tổn thương tầng lớp trung lưu mới nổi của Trung Quốc. Chuyên gia Xie Fuzhan, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng những loại thuế này không giải quyết được vấn đề bất bình đẳng giàu nghèo tại Trung Quốc.
"Theo quan điểm của tôi, thách thức lớn nhất là làm thế nào để chiếc bánh rộng hơn và phân phối những miếng bánh một cách tốt hơn", ông khẳng định.
Tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng nghiêm trọng ở Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg.
Tuy nhiên, chính phủ Bắc Kinh đang gia tăng kiểm soát đối với giới nhà giàu hơn so với trước đây. Họ thiết lập các hệ thống theo dõi dòng tiền tự động, yêu cầu công khai về việc gửi tiền ra nước ngoài, gây khó khăn cho việc chuyển tiền quốc tế.
Dĩ nhiên, vẫn còn một số lỗ hổng. Những người Trung Quốc giàu có có thể tạo các quỹ tín thác với cơ cấu ủy quyền, chuyển hàng tỷ USD cho người thân hoặc sử dụng hộ chiếu nước ngoài.
Nhưng ngày nay, ngay cả việc chuyển tiền ra nước ngoài cũng trở nên nguy hiểm hơn. Sự cảnh giác với Trung Quốc ngày càng gia tăng ở các quốc gia phương Tây, từ Mỹ, châu Âu đến Australia.
Đối với những "phú nhị đại" như anh Tu ở Fantasy Entertainment, con đường an toàn nhất giờ là "làm công việc của bản thân, đóng thuế và cư xử tốt". Bố của anh đã cho 2 triệu NDT (300.000 USD) để bắt đầu công việc kinh doanh hiện tại.
Công ty đạt doanh thu hơn 12 triệu NDT (1,84 triệu USD) mỗi tháng và anh Tu không còn phải phụ thuộc tài chính vào gia đình nữa. "Điều tôi sợ nhất là 'cây cao đón gió'. Có tiền, nhưng không phải siêu giàu, mới là an toàn nhất", anh nhận xét.