Luật của Trung Quốc chỉ cho phép mỗi công dân nước này mua tối đa 50.000 USD ngoại tệ mỗi năm tại một tổ chức tài chính. Trong quá khứ, giới nhà giàu của Trung Quốc đã phải tìm nhiều cách để lách luật, thông qua đầu tư vào bất động sản và các tài sản khác tại nước ngoài. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh cũng đã ra luật hạn chế các hoạt động này.
50 tỉ USD tiền điện tử âm thầm 'chảy' ra khỏi Trung Quốc. Ảnh: CNN
Báo cáo của Chainalysis nêu rõ: "Trong mười hai tháng qua, nền kinh tế Trung Quốc đã và đang bị ảnh hưởng do chiến tranh thương mại đi kèm với sự mất giá của đồng nhân dân tệ. Theo đó, chúng tôi đã ghi nhận hơn 50 tỉ USD tiền điện tử được chuyển từ các ví kỹ thuật số ở Trung Quốc sang các địa chỉ ở nước ngoài".
"Rõ ràng, không phải tất cả những điều này là dòng vốn tháo chạy, nhưng chúng ta có thể coi 50 tỷ USD là mức trần tuyệt đối cho lượng vốn tháo chạy thông qua tiền điện tử từ Đông Á đến các khu vực khác", báo cáo cho biết thêm.
Theo Chainalysis, rất nhiều những người nắm giữ tiền ảo tại Trung Quốc dùng các loại tiền dạng "Stablecoin" như Tether, nghĩa là loại tiền ảo neo giá trị vào một tài sản cố định mà ở đây là đồng USD với trường hợp của Tether, để dịch chuyển tài sản của mình ra nước ngoài.
Những dạng tiền Stablecoin rất hay được dùng để dịch chuyển lượng lớn tiền ảo bởi theo lý thuyết, những người muốn dịch chuyển tài sản ra nước ngoài không có nhu cầu đầu cơ và đòi hỏi một loại tiền ảo ổn định.
"Tổng cộng hơn 18 tỉ USD dưới dạng Tether đã chuyển từ các địa chỉ ở Đông Á sang các địa chỉ có trụ sở ở các khu vực khác trong 12 tháng qua", Chainalysis nói trong báo cáo của mình.
Chainalysis cho biết một phần của hoạt động này có thể được giải thích là do các công ty khai thác tại Trung Quốc đang chuyển đổi các đồng tiền mới của họ thành Tether và gửi chúng đến các sàn giao dịch ở nước ngoài.
Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận sự đột biến đáng kể trong xu hướng chuyển đổi sang Tether đang gắn liền với một số sự kiện tin tức nhất định. Đầu tiên là vào tháng 10 khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng ủng hộ blockchain, công nghệ nền tảng cho nhiều đồng tiền kỹ thuật số. Sau đó là đợt bán tháo ồ ạt vào giữa tháng 3 khi giá bitcoin đã bắt đầu phục hồi.
"Cổ phiếu của cả Mỹ và Trung Quốc vẫn mất giá vào thời điểm này, cũng như bản thân đồng nhân dân tệ. Có thể sự xáo trộn kinh tế đã phần nào thúc đẩy xu hướng rút vốn ra khỏi Trung Quốc, mặc dù phần lớn các giao dịch Tether là do các nhà đầu tư tiền điện tử ở Đông Á chuyển đổi tiền của họ sang các sàn quốc tế nhằm giao dịch vào thời điểm giá tiền điện tử biến động cao", Chainalysis nói.
Trước đây, Trung Quốc đã có những động thái khá gay gắt về tiền ảo khi chính quyền Bắc Kinh cấm nhà đầu tư gọi vốn bằng loại tiền này, hay còn gọi là ICO, đồng thời đóng cửa hàng loạt các sàn giao dịch tiền ảo trong nước, buộc các nhà đầu tư phải gửi chúng ra sàn quốc tế để giao dịch.
Mặc dù vậy, trong thời gian gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại có xu hướng ủng hộ công nghệ blockchain của tiền ảo. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng đang phát triển đồng tiền điện tử của riêng họ.