Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại tọa đàm trực tuyến "Nhận diện cơ hội thị trường nửa cuối năm 2021" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 28-7.
Sau cú rơi từ 1.421 điểm xuống sát vùng 1.220 điểm vào đầu tháng 7-2021 (tương đương mức giảm khoảng 13%), đến giờ thị trường chứng khoán vẫn chưa thể phục hồi. Thanh khoản thị trường những ngày qua liên tục ở mức thấp dưới 20.000 tỉ đồng, trong khi những tháng trước lên tới 25.000 - 30.000 tỉ đồng/phiên.
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến nêu trên, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Đầu tư CTCK Mirae Asset Việt Nam, cho rằng công ty cũng vừa có báo cáo nhận định thị trường sẽ điều chỉnh mạnh gây xôn xao giới đầu tư trong lúc họ đang "hưng phấn", VN-Index lập đỉnh hơn 1.420 điểm. Nhưng thực tế cho thấy, việc điều chỉnh, lao dốc là bình thường, bởi thị trường đã tăng trưởng mạnh trong thời gian dài, VN-Index từ 700 - 800 điểm lên 1.400 điểm.
"Khi thị trường điều chỉnh về 1.200 điểm là cơ hội tích lũy cổ phiếu, ai chưa mua được cổ phiếu giá rẻ thì sắp tới đều sẽ mua được. Mirae Asset dự báo 1.440-1.500 là điểm đến của VN-Index trong nửa cuối năm, với điều kiện kiểm soát được dịch trong tháng 8" - ông Lê Quang Minh nói.
Cú rơi của thị trường chứng khoán từ đầu tháng 7-2021 đến nay khiến nhiều nhà đầu tư vẫn đang thua lỗ
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Đầu tư Công ty Dragon Capital, phân tích nhìn vào thị trường một tháng trở lại đây đã giảm 13%-14% so với đỉnh nhưng nhà đầu tư cũng đã có sự trưởng thành vượt bậc. Thanh khoản 25.000 - 30.000 tỉ đồng hồi tháng 5 và 6 là không thực chất nênkhó mà ổn định trong thời gian dài. Ông cho rằng thanh khoản 15.000 - 17.000 tỉ đồng của sàn HOSE, chiếm khoảng 80% vốn hóa toàn thị trường là mức hợp lý.
Do đó, vùng 1.200 - 1.250 điểm là vùng quan tâm, có thể xuống tiền mua cổ phiếu doanh nghiệp tốt và nắm giữ trong trung dài hạn với triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng từ nay đến năm 2022.
Một số diễn giả khác cũng cho rằng với chu kỳ tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn tiềm năng trong trung dài hạn thì việc "rơi" trong ngắn hạn không phải vấn đề quá lớn.
Cụ thể, ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment, nhận định trong quá trình tăng trưởng của bất cứ thị trường nào, các nhịp điều chỉnh là không thể tránh khỏi. Theo thống kê, nhịp điều chỉnh bình quân khoảng 17% cho 1 nhịp 6 tháng. Với Việt Nam, từ 3-2020 đến nay có 4 nhịp điều chỉnh trong đó có giai đoạn tháng 7 này, khá tương đồng với các con số trong quá khứ.
"Trong tháng 7, thị trường giảm 13%, cơ bản đã tạo đáy. Với kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, kỳ vọng khống chế Covid-19 sớm thì thị trường chứng khoán sẽ còn đi lên. Thống kê cho thấy sau mỗi nhịp điều chỉnh thì thị trường có thể tăng tới 30%-40%. Với các giả định này, cuối năm nay VN-Index có thể đạt 1.600 - 1.700 điểm với điều kiện dịch được khống chế trong tháng 8-9 tới"- ông Lã Giang Trung kỳ vọng.
Hầu hết các chuyên gia đều đồng tình cơ hội trên thị trường chứng khoán còn rất lớn. Có điều, giai đoạn kiếm tiền dễ đã qua và nhà đầu tư cần lựa chọn kỹ hơn cho quyết định đầu tư sắp tới.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Rồng Việt, nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu của những doanh nghiệp ít chịu sự tác động của Covid-19 và có khả năng tồn tại trong bối cảnh giãn cách hiện tại, như các doanh nghiệp liên quan xu hướng số hóa và tài chính - có mức thâm dụng cao với số hóa... Đây là nhóm có thể đón đầu sự phục hồi kinh tế tốt nhất… Và việc đầu tư không thể nhìn ngắn hạn mà có thể phải nhìn sang năm 2022 - 2023.