Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa có báo cáo chiến lược về dòng tiền nước ngoài, trong đó đề cập đến những nguyên nhân khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu ở thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, tính đến giữa tháng 6, khối ngoại đã bán ròng 1,4 tỉ USD cổ phiếu được niêm yết trên thị trường Việt Nam. Con số này cao hơn 67% so với tổng giá trị bán ròng của cả năm ngoái. Đáng chú ý, khối ngoại đã bán ròng 70% số ngày giao dịch được tính từ đầu năm đến nay, nhưng điều này không có tác động quá lớn đến giá cổ phiếu. Chỉ số VN-Index đã tăng 25% từ đầu năm và tốp 5 cổ phiếu khối ngoại bán ròng nhiều nhất có mức tăng trung bình rất lớn, tăng 58% từ đầu năm.
HPG bị khối ngoại bán ròng hơn 500 tỉ đồng từ đầu năm đến nay
Cụ thể, 4 trong 5 cổ phiếu khối ngoại bán ròng nhiều nhất là các mã vốn hóa lớn có kết quả khả quan: HPG (tăng 71%), CTG (+48%), VPB (+105%) và MBB (+78%) kể từ đầu năm.
Đến chiều 30-6, các cổ phiếu HPG đang được giao dịch ở mức 51.800 đồng/cổ phiếu; MBB 43.600 đồng/cổ phiếu; CTG 52.800 đồng/cổ phiếu và VPB là 67.300 đồng/cổ phiếu.
Ông Matthew Smith, Giám đốc nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định động thái trên có thể là một sự kết hợp giữa hoạt động chốt lời và tái cơ cấu danh mục đầu tư khi tỉ trọng các mã cổ phiếu tăng trưởng cao hơn mức tối đa. Tuy nhiên, riêng cổ phiếu VNM (giảm 14%) từ đầu năm là một trường hợp ngoại lệ trong số này. Khối ngoại bán ròng VNM có thể vì mã này không khả quan và mục đích của bán ròng có thể là để điều chỉnh lại danh mục đầu tư hơn là chốt lời. Ngược lại, quỹ ETF VN Diamond được khối ngoại mua ròng nhiều nhất tính từ đầu năm.
Việt Nam không phải là thị trường duy nhất bị khối ngoại bán tháo. Tài sản đang quản lý của các quỹ đầu tư vào những thị trường cận biên trên toàn cầu đã và đang giảm mạnh. Điều này là do có sự thay đổi trong cơ cấu danh mục. Tổng giá trị bán ròng của khối ngoại ở Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam trong tháng 5-2021 là 12 tỉ USD; trong đó Việt Nam chỉ chiếm 4%.
"Tình trạng bán ròng sẽ không kéo dài. Các quỹ tương hỗ tập trung vào thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận nhờ vào câu chuyện vĩ mô tích cực, tiềm năng thị trường sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, Việt Nam còn là thị trường có kết quả vượt trội không tương quan, điều này sẽ giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại" – ông Matthew Smith nói.
Theo các chuyên gia của Yuanta Việt Nam, đà tăng giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa chững lại dù khối ngoại liên tục bán ròng. Các nhà đầu tư trong nước - không phải người nước ngoài - đang là nhân tố chính chi phối thị trường. Mức thanh khoản được kỳ vọng sẽ tăng lên nhiều hơn trong nửa cuối năm 2021 nhưng độ biến động cũng sẽ lớn hơn khi thị trường tăng cao hơn. Do đó, các nhà đầu tư nên thận trọng và tập trung vào các cổ phiếu chất lượng.