Phiên giao dịch ngày 21-7, thị trường chứng khoán tiếp tục hồi phục với sắc xanh ở cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCOM.
Lúc 11 giờ, VN-Index tăng 8,06 điểm lên 1.281,86 điểm; HNX-Index tăng 1,81 điểm lên 302,87 điểm. Dù vậy, thanh khoản thị trường vẫn ở mức khá thấp khi mới chỉ đạt hơn 8.300 tỉ đồng trên sàn HOSE trong khi ở sàn HNX vào khoảng 658 tỉ đồng.
Nếu tính từ "đỉnh" của chỉ số VN-Index vùng trên 1.420 điểm vào đầu tháng 7-2021, đến giờ đã giảm khoảng 10%. Mức giảm từ "đỉnh" so với thời điểm ngày 20-7 khi chỉ số VN-Index rơi về 1.225 điểm lên tới trên 13%. Nhiều cổ phiếu đã mất giá từ 20-30% gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam từ một thị trường có quy mô nhỏ với hai cổ phiếu có vốn hóa quy mô lớn năm 2015 đã tăng trưởng lên 11 cổ phiếu có vốn hóa quy mô lớn năm 2021, mỗi cổ phiếu có giá trị vốn hóa hơn 5 tỉ USD. Thị trường chứng khoán Việt Nam nổi lên như một thị trường "đầy triển vọng đầu tư" theo đánh giá của Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế toàn cầu của Tập đoàn HSBC.
Giá trị giao dịch bình quân phiên năm 2020 đạt mức cao kỷ lục 430 triệu USD và tới tháng 5-2021, con số này đã vượt mốc 1 tỉ USD.
Dù thị trường chứng khoán đang hồi trở lại trong 2 phiên gần đây nhưng không ít nhà đầu tư vẫn thua lỗ khi giá nhiều cổ phiếu giảm từ 20-30%
Dù thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây đã chứng kiến sự sụt giảm giá cổ phiếu khoảng 10% khi làn sóng Covid-19 mới bùng phát trở lại ở TP HCM - trung tâm kinh tế của cả nước, gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế toàn cầu của HSBC vẫn cho rằng chưa đến lúc để bán cổ phiếu Việt Nam vì "lợi nhuận vẫn còn đó".
Nhiều nhà đầu tư mới đang tham gia vào thị trường chứng khoán, với khoảng nửa triệu tài khoản giao dịch được mở trong 5 tháng đầu năm 2021, nâng tổng số tài khoản giao dịch lên hơn 3,2 triệu tài khoản và tăng 22% so với tổng số tài khoản mở mới trong cả năm 2020.
Theo HSBC, các động lực chính của Việt Nam là tâm lý thị trường mới nổi và thanh khoản thị trường trong nước cao. Trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ giảm với kỳ vọng đồng USD ổn định và giá cả hàng hóa cao là yếu tố hỗ trợ cho động lực đầu tiên, động lực thứ hai được trợ giúp nhờ các biện pháp kiểm soát đại dịch và chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam. Tất cả những yếu tố đó đều hỗ trợ thị trường cổ phiếu Việt Nam...
Về quan điểm thị trường chứng khoán trong ngắn hạn ngày 21-7, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục nhẹ và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định vùng kháng cự gần nhất 1.276 – 1.300 điểm. Đây là vùng khoảng trống giảm giá được hình thành trong phiên 19-7.
Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn hồi phục kỹ thuật và nếu chỉ số VN-Index vượt được vùng kháng cự 1.276 – 1.300 điểm với khối lượng giao dịch trên mức trung bình 620 triệu cổ phiếu thì rủi ro ngắn hạn có thể giảm mạnh và thị trường có thể nhanh chóng tìm điểm cân bằng…