VBA vừa có công văn gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để thông qua VCCI kiến nghị Nhà nước xem xét chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) đồ uống đang gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Theo VBA, dịch Covid-19 làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN và người lao động.
Do tác động kép bởi dịch Covid-19 và ảnh hưởng của một số quy định đối với ngành có hiệu lực từ 1-2-2020, ngành sản xuất đồ uống gặp rất nhiều khó khăn. Doanh thu của ngành giảm hơn 60%, người lao động bị mất công ăn việc làm, giảm thu nhập, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách của Nhà nước.
Trong khi đó, để duy trì sản xuất, các DN vẫn phải trả lương cho vài chục ngàn người lao động, thanh toán các khoản tiền nợ cho nhà cung cấp nguyên vật liệu sản xuất...
Số liệu của VBA cho thấy ngành này đang sử dụng hơn 220.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp; đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 60.000 tỉ đồng mỗi năm.
Trước những khó khăn kể trên, VBA kiến nghị Chính phủ xem xét có những chính sách miễn, giảm thuế chung cho các ngành kinh tế, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó có ngành sản xuất đồ uống và các DN sản xuất, kinh doanh đồ uống và không nên phân biệt các ngành kinh tế.
Rất nhiều nhà hàng, quán ăn, quán nhậu phải tạm ngừng hoạt động để phòng ngừa dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ rượu, bia và nước giải khát. Ảnh: Minh Phong
Trước khi có văn bản gửi VCCI, tháng 3-2020 VBA đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương... kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành.
Theo văn bản này, ngoài ảnh hưởng từ dịch COVID-19, các DN trong ngành bia rượu, nước giải khát còn chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ Nghị định 100 do sản lượng không tiêu thụ được.
Hai tháng đầu năm 2020, sản lượng tiêu thụ của các DN trong ngành đều sụt giảm, mặc dù vào đúng dịp tết và mùa lễ hội là mùa có sản lượng tiêu thụ lớn nhất trong năm. Một số DN giảm sản lượng tiêu thụ đến 40%-50%, hàng quán dịch vụ ăn uống giảm 70%-80% lượng khách so với cùng kỳ năm 2019.
"Việc giảm lượng tiêu thụ ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của người lao động ở các DN sản xuất và đặc biệt là các DN, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch khác. Mặt khác, còn tác động tiêu cực làm giảm doanh thu, các DN nhỏ có thể phải đóng cửa do làm ăn khó khăn. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến các DN trong ngành bia rượu nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến đối tác và nhà cung cấp, các nhà hàng, quán ăn…" - VBA nhấn mạnh và dự báo việc tiêu thụ khó khăn có thể dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỉ đồng trong năm 2020, bao gồm giảm các khoản đóng góp từ DN sản xuất bia rượu và các DN kinh doanh dịch vụ có liên quan đến bia rượu.
Tình trạng tiêu thụ bia rượu nước giải khát giảm mạnh đã kéo dài gần 4 tháng nay, nhất là từ ngày 1-4, khi Chỉ thị 16 về "cách ly toàn xã hội" bắt đầu có hiệu lực. Không chỉ tạm mất kênh bán hàng lớn là các nhà hàng, quán nhậu, quán ăn mà tại các siêu thị, cửa hàng, đại lý... sức mua các mặt hàng này cũng nhỏ giọt. Đặc biệt, theo các siêu thị, mặt hàng bia bán chậm kỷ lục bởi trong hoàn cảnh dịch bệnh, người tiêu dùng chỉ tập trung mua lương thực thực phẩm, hàng thiết yếu.