Chị Hiền - nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đang đứng ngồi không yên vì vẫn chưa đủ số lượng 20 thẻ tín dụng được giao, trong khi chỉ còn vài tháng nữa là hết năm. Chị Hiền cho biết, đã sử dụng hết mọi cách như gọi điện, gửi thư mời, lập fanpage trên mạng xã hội để chào mời nhưng thời điểm này cũng mới đạt một nửa chỉ tiêu.
“Số lượng 10 thẻ tín dụng đã được làm chủ yếu là bạn bè, họ hàng, người thân thương tình ủng hộ, chứ thực tế có mời được khách hàng mới nào đâu" - chị nói.
“Mình thuộc phòng tín dụng nên chỉ bị định mức 20 thẻ chứ nhân viên phòng thẻ và cán bộ cấp trưởng phòng thì phải đạt số lượng là 30 - 40. Đạt được số này mới được xem là hoàn thành công việc” - chị Hiền chia sẻ.
Là nhân viên của phòng tín dụng một ngân hàng, chị Hiền cho biết mỗi phòng ban đều được "khoán" chỉ tiêu nhưng không phải ai cũng đáp ứng được. Kêu gọi người thân, bạn bè giúp đỡ, nhưng theo chị Hiền, khó nhất là không phải ai cũng mở được thẻ. "Những người đủ điều kiện thì ít dùng thẻ tín dụng, còn người thích mở và dùng thẻ lại không đủ điều kiện" - chị nói.
Còn anh Minh - nhân viên một ngân hàng khác cũng cho biết cũng bị áp chỉ tiêu thẻ tín dụng. Nhưng may mắn cho anh là một người họ hàng thành lập công ty, lại mở tài khoản tại ngân hàng anh đang công tác nên cũng huy động được hơn 10 nhân viên làm thẻ để ủng hộ. Vì không hạn chế số lượng thẻ cho mỗi khách hàng nên với một người vẫn có thể làm một lúc các loại thẻ khác nhau như Visa, American Express, JCB…
Theo anh Minh, thẻ tín dụng mà các ngân hàng đang muốn tăng số lượng chính là thẻ tiêu trước trả tiền sau. Thực tế, đây không chỉ là xu hướng tiêu dùng mới mà còn là cách khéo của ngân hàng để khuyến khích khoản tín dụng tiêu dùng cũng như cho vay tín chấp.
“Định mức chi tiêu của thẻ tùy thuộc nhu cầu và thu nhập của khách hàng có khi chỉ tối đa 20 - 30 triệu đồng, nhưng có thể lên đến vài trăm triệu đến cả 1 tỉ đồng. Nếu càng tăng số lượng người dùng thẻ đồng nghĩa một khoản tín dụng cũng được giải ngân", anh chia sẻ.
Cho dù rất tiện ích trong việc mua sắm bởi thẻ liên kết với nhiều thương hiệu nổi tiếng sẽ đem lại nhiều quyền lợi cho người tiêu dùng nhưng với phần lớn người có thu nhập trung bình sẽ đắn đo, ngần ngại vì tâm lý lo ngại tiêu rồi không biết có đủ tiền để trả lại ngân hàng nữa không.
Thời điểm này, chỉ còn 6 thẻ nữa là anh Minh sẽ hoàn thành định mức được giao nên anh đang thấp thỏm hy vọng không bị cắt giảm tiền thưởng cuối năm. “Chỉ mong mức thưởng giữ nguyên như năm ngoái chứ không mơ mộng tăng tiền thưởng. Để đạt định mức 50 thẻ tín dụng trong năm cũng đã mướt mồ hôi hột nên hoàn thành được mức giao khoán là tốt lắm rồi”, nhân viên ngân hàng nói trên tiết lộ.
Theo nhận định của nhiều ngân hàng, cuộc đua phát hành thẻ tín dụng vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ, bên cạnh nhiều "cuộc đua" khác, nhưng âm thầm và không rầm rộ như trước. Trưởng phòng Thẻ một chi nhánh ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) thừa nhậ, với các thẻ tín dụng, phần đông khách hàng đều chọn hạn mức chi tiêu từ 10 đến 30 triệu đồng/tháng. Nhưng cũng không ít với các khách hàng có thu nhập cao có thể được hưởng hạn mức từ 50 đến 100 triệu đồng/tháng. Với thẻ Visa, MasterCard ngân hàng cũng có thể cho khách hàng chi tiêu với số dư nợ lên tới 1 tỉ đồng.
“Trước kia, các ngân hàng mong muốn thu được các loại phí từ thẻ ghi nợ nhưng nay thì khác. Tăng số lượng phát hành thẻ tín dụng không chỉ là xu hướng phát triển hệ thống bán lẻ mà các ngân hàng muốn hướng đến, mà cũng là một trong những biện pháp đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng hiện nay. Khoản tín dụng tuy nhỏ, nhưng bù lại rủi ro cũng thấp hơn khoản tiền lớn đi kèm rủi ro lớn" - vị này nói.