Áp lực tăng, lương giảm
Ngành ngân hàng luôn là tâm điểm của vòng xoáy suy thoái kinh tế. Hầu hết các ngân hàng đều phải nếm mùi nợ xấu, tăng trưởng tín dụng chậm, vì thế, không khó tránh khỏi việc cắt giảm nhân sự, chi nhánh để tồn tại. Đối với những nhân sự còn trụ lại được cũng phải đối mặt việc lương thưởng bị cắt giảm mạnh. Khái niệm lương "khủng", ngành "hot" gần như biến mất, nhất là với ngành ngân hàng.
Chính vì vậy, năm qua là một năm có rất nhiều xáo trộn với ngành này khi phải cắt giảm số lượng lớn nhân viên, chi phí. Đa số các ngân hàng đều cắt giảm lương, thu nhập khoảng 30-50% so với mấy năm trước.
Chị Đặng Thị Loan, giao dịch viên chi nhánh ngân hàng cổ phần ở quận Long Biên tiết lộ, năm nay nhân viên ngân hàng hầu hết đều bị giảm lương và chị cũng không ngoại lệ. Ngân hàng chị không lớn nên lương cũng không cao bằng những nơi khác. Do đó, từ ngày lương bị hạ thì cuộc sống càng chật vật hơn rất nhiều.
“Tôi có dò hỏi đồng nghiệp ở các nhà băng khác, đa phần cũng trong tình trạng khó khăn khi nơi đâu cũng có mục tiêu cắt giảm tối đa mọi chi phí. Chắt lọc nhân sự hiện nay được giới ngân hàng đặt lên hàng đầu” - chị Loan kể.
Anh Trần Xuân Tình, cán bộ tín dụng một ngân hàng thương mại cổ phần ở quận Cầu Giấy cho biết, áp lực công việc luôn khiến anh cảm thấy rất căng thẳng, nhất là đối với cán bộ tín dụng. Bi kịch có thể đến bất cứ lúc nào nếu khách hàng vay mà không trả được nợ.
Cho vay khó bao nhiêu thì huy động khó bấy nhiêu. Thời buổi kinh tế khó khăn, huy động được vốn trở nên khó gấp đôi. Với nhân viên gia đình khá giả và có mối quan hệ rộng thì còn có cơ hội huy động đủ chỉ tiêu, chứ với người bình thường, ít mối quan hệ thì việc hoàn thành chỉ tiêu huy động vốn khó hơn leo núi.
Chị Lê Thị Thúy Quỳnh kể, cách đây 4 năm đã xin được vào làm tại Ngân hàng M. nhưng lãnh đạo ngân hàng này ra điều kiện mỗi tháng Quỳnh phải huy động được 700 triệu đồng. Lúc đầu em nghĩ, gia đình em họ hàng đều khá giả cả nên với số tiền này thì sẽ dễ dàng huy động được. Tuy nhiên, chính Quỳnh cũng không ngờ kinh tế khó khăn kéo theo một số anh em nhà Quỳnh kinh doanh cũng gặp khó nên họ rút tiền về hết. Đã 2 tháng nay, cô không đạt chỉ tiêu và có nguy cơ bị sai thải bất cứ lúc nào.
“Giờ em chẳng biết phải làm thể nào cả, nếu mất việc ở đây thì sang các ngân hàng khác cũng vậy thôi, mà em lại đang nuôi con nhỏ nữa” - Quỳnh buồn bã chia sẻ.
Còn chị Đặng Xuân Mai, nhân viên giao dịch ngân hàng GPBank chia sẻ: "Đi làm từ sáng đến 8 giờ tối, lương cũng chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng. Áp lực công việc, doanh số khiến tôi không còn thời gian dành cho gia đình. Bởi vậy, từ nội trợ, dọn dẹp nhà cửa đến đưa đón con đi học... đều dồn hết cho ông xã. Người nhà cũng không ngờ làm việc tại ngân hàng vất vả thế, đi sớm về muộn nên đôi lúc tôi cũng thấy ngại."
Vật lộn với Tết
Áp lực giảm lãi suất, dọn dẹp nợ xấu... khiến lợi nhuận năm 2013 của nhiều ngân hàng thêm co hẹp so với những năm trước và với chính chỉ tiêu đặt ra ban đầu. Cũng vì thế mà mức thưởng Tết của nhân viên không còn ở mức 3-4 tháng lương như vài năm trước mà giờ chỉ mong có thưởng đã là tốt lắm rồi.
Chỉ một vài ngân hàng làm ăn hiệu quả trong năm công bố kế hoạch thưởng Tết sớm cho nhân viên, tuy nhiên khi được hỏi những cán bộ này cũng chỉ tủm tỉm cười chứ không dám công khai vì "các sếp không cho nói, sợ các ngân hàng khác nhìn vào".
Còn lại, đa số các nhân viên ngân hàng đều buồn bã: “Thời điểm này có việc làm là may mắn lắm rồi, chứ mong gì thưởng Tết."
Mặc dù biết là làm ở ngân hàng lương thưởng thời điểm này rất thấp nhưng nhiều người vẫn không dám mạo hiểm nhảy việc mà nghĩ cách kiếm thêm nghề phụ để tăng thu nhập.
Phụ trách mảng tín dụng tại một ngân hàng thương mại thuộc loại lớn ở Hà Giang nhưng chưa năm nào thu nhập của Trần Thu Hà lại giảm mạnh như năm 2013. Lương hàng tháng của cô bị hạ xuống còn 5 triệu đồng, chỉ đủ trang trải cuộc sống và gần như không có dư. Phòng Hà cũng không hoàn thành chỉ tiêu được giao nên Tết này không có thưởng mà chỉ có một khoản của quỹ lương.
"Giờ không có thưởng chẳng biết phải xoay sở ra sao khi bao nhiêu khoản cần tới tiền như quà cáp, tiền biếu bố mẹ nội ngoại hai bên..." - Hà chia sẻ.
Không chịu ngồi yên như Hà, chị Lê Minh Ngọc, làm ở một phòng giao dịch của Ngân hàng OceanBank kể, cách đây khoảng hơn một tháng đang đau đầu vì chưa biết năm nay sẽ lấy tiền đâu ra để chi tiêu cho Tết thì được một người bạn mách cho mấy bí quyết tự làm đồ “handmade”. Thế là chị bắt tay làm ngay, đầu tiên chị mua thịt bò về ngâm dấm, thịt bò khô, rồi chị làm các loại mứt như mứt dừa, mứt cà chua, khế, táo, cà chua… Thậm chí, khi chị làm xong, nhiều người ăn thử thấy ngon nên đặt chị làm luôn, thế là tranh thủ những buổi tối chị cũng kiếm thêm được chút ít.
Chị Ngọc chia sẻ: "Cái khó ló cái khôn thôi, những năm trước còn trông chờ vào đồng tiền thưởng Tết. Năm ngoái, năm nay, thưởng Tết "hẻo" quá tới mức động chạm tới như một sự tủi thân cực độ."
Còn chị Hồng Anh làm việc tại Ngân hàng Techcombank cho hay lương hàng tháng của vợ chồng chị chỉ đủ chi tiêu nên không có tiền dư. Mấy năm trước, cứ mỗi lần Tết đến là chị tự mua sắm các loại đồ dùng cần thiết cho hai bên gia đình từ thịt lợn gác bếp, đùi gà xông khói Hàn Quốc đến măng, miến, bánh kẹo nhưng năm nay tiền thưởng Tết chẳng đáng là bao nên chị đã cùng vài gia đình bạn thân tự gói bánh chưng, gói giò, gói nem… rồi chia nhau ăn Tết.
“Tất cả những thứ này mọi năm tôi đều đặt hết nhưng năm nay khó khăn quá nên tôi và các bạn tự làm, vừa ngon, chất lượng lại sạch sẽ không sợ hóa chất lại được chồng khen là đảm đang” - chị Hồng Anh vui vẻ cho biết.
Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại Hà Nội thừa nhận, thu nhập của ngành nhân hàng bị giảm sút trầm trọng trong năm 2013. Có lẽ vì sự khó khăn nên trên mái tóc vị Phó Tổng giám đốc nọ đã điểm thêm nhiều sợi bạc so với cuộc gặp cách đây vài tháng.
Thế nhưng dù khó khăn vì phải bươn trải, cố gắng không giảm lương nhân viên và giữ chân người tài, song vị CEO ngân hàng vẫn không nguôi hy vọng: “Tôi tin là chỉ qua nốt năm nay, năm sau thôi, sang tới 2015-2016 ngành ngân hàng sẽ bớt khó khăn hơn”