Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 8 tháng đầu năm 2019 vừa công bố, các chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng trong tháng 8.
Khối ngân hàng thương mại cổ phần, đặc biệt là một số ngân hàng vừa và nhỏ, đã đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng lên mặt bằng mới. Hiện lãi suất cao nhất là 10%/năm (chứng chỉ tiền gửi 5 năm của một số ngân hàng thương mại), cao hơn so với mức cao nhất 8,5%-8,6%/năm hồi đầu năm.
Nguyên nhân lãi suất huy động tăng 3 tháng qua là do đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng (đặc biệt là tín dụng trung - dài hạn) thường tăng cao vào cuối năm, đáp ứng các yêu cầu về hệ số an toàn vốn đáp ứng chuẩn Basel năm 2020 và quy định giảm dần dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn.
Một số ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động chạm mức 9%-10%/năm gần đây. Ảnh: Linh Anh
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV phân tích động thái tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại còn nhằm tăng tính cạnh tranh của kênh huy động vốn tiền gửi ngân hàng so với các kênh khác như phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang nở rộ. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã có cảnh báo, nhắc nhở về động thái tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại.
Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn khá ổn định. Đầu tháng 8, một số ngân hàng lớn như BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank đã công bố giảm lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn đối với các khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước từ 0,5%-1%/năm. Tuy nhiên, theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, việc giảm lãi suất cho vay khó có thể được mở rộng cho kỳ hạn dài và các đối tượng khác, do mặt bằng lãi suất đầu vào nhích lên.
Dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng và đồng nhân dân tệ trong xu hướng giảm giá nhưng tỉ giá USD/VNĐ vẫn khá ổn định. Theo các chuyên gia, tỉ giá ổn định nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tích cực khi 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại ước thặng dư 3,4 tỉ USD…
Tuy vậy, những rủi ro từ môi trường quốc tế như xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các quốc gia trên thế giới; diễn biến giảm giá đồng nhân dân tệ; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc… luôn tạo áp lực lên tỉ giá và có thể sẽ có những biến động mạnh hơn trong thời gian tới.
Các chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo đến hết quý III/2019, tỉ giá USD/VNĐ về cơ bản vẫn trong phạm vi kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, quanh mức 23.200-23.350 đồng/USD, tăng 0,6% so với đầu năm 2019.