Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (SBS) bất ngờ công bố kết quả kinh doanh quý III/2013 của công ty mẹ với lợi nhuận sau thuế 94 tỉ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ năm 2012 và cao hơn rất nhiều công ty chứng khoán khác.
Báo cáo tài chính quý III/2013 của SBS cho thấy công ty đạt lợi nhuận “khủng” chủ yếu nhờ vào khoản hoàn nhập dự phòng 65 tỉ đồng sau khi đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ đọng của khách hàng.
Tính đến 30-9, nợ ngắn hạn của SBS đã giảm 300 tỉ đồng so với đầu năm, nợ dài hạn (khoản trái phiếu chuyển đổi với Sacombank) cũng giảm 300 tỉ đồng. Các khoản phải thu khách hàng giảm đáng kể, xuống còn 543 tỉ đồng, trong đó 495 tỉ đồng là các hợp đồng hợp tác đầu tư, ủy thác quản lý vốn đã quá hạn. Hiện công ty vẫn đang trích lập dự phòng 411 tỉ đồng cho các khoản phải thu quá hạn này.
SBS từng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt vì thua lỗ nặng nề. Ảnh chụp màn hình
Danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn của đại gia chứng khoán này cũng giảm mạnh, từ mức 556 tỉ đồng hồi đầu năm xuống 36 tỉ đồng tính đến 30-9.
Thông tin gần nhất cho thấy đến tháng 10-2013 tỉ lệ an toàn vốn của SBS đã đạt trên 180%, gấp nhiều lần so với mức 12,7% tại thời điểm 30-6.
Tuy vậy, hoạt động kinh doanh chính của SBS vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi tổng doanh thu quý III/2013 chỉ đạt 12,6 tỉ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đạt gần 42 tỉ đồng, giảm đến 76%.
Tính đến 30-9, đại gia chứng khoán vẫn còn lỗ lũy kế 1.670 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu âm 154,6 tỉ đồng, tuy nhiên nguy cơ phá sản, đóng cửa đối với SBS đã tạm thời được hóa giải nhờ nỗ lực tái cơ cấu.
Trong khi đó, một đại gia chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng (PHS) lại vừa công bố lỗ thêm 8 tỉ đồng trong quý III/2013, quý lỗ thứ 11 liên tiếp của công ty này. 9 tháng đầu năm 2013, công ty lỗ tổng cộng 14 tỉ đồng, nếu chưa khắc phục được lỗ trong quý IV/2013, PHS sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Cổ phiếu này đã bị đưa vào diện kiểm soát từ 25-2-2013 và giá chỉ còn 2.600 đồng (ngày 23-10).
Tuy nhiên, sau khi cổ đông lớn nước ngoài của PHS là Phu Hung Far East Holding Corporation đăng ký mua hơn 2,325 triệu cổ phiếu PHS, nâng tỉ lệ sở hữu lên 46,41%, HĐQT của PHS đã ra thông báo việc lấy ý kiến cổ đông rộng rãi về việc xin hủy niêm yết cổ phiếu tự nguyện. Việc lấy ý kiến diễn ra từ 1-11 đến 20-12.
Được biết, ông Ting, Kwang Chin - Chủ tịch HĐQT PHS, cũng là Chủ tịch của Phu Hung Far East Holding Corporation.