Đây cũng là cơ hội để giới thiệu đến bạn bè quốc tế các sản phẩm đặc trưng của Việt Nam; nhưng thực tế, hàng nội địa vẫn đang loay hoay, chưa có được chỗ đứng vững chắc…
Thiên la địa võng hàng Trung Quốc
Từ khi thành phố Hà Nội mở rộng thêm 6 tuyến phố đi bộ (3-10-2014), lượng khách tham quan đổ về đây ngày càng đông. Từ 16 giờ các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, các sạp hàng được dựng lên với vô số mặt hàng, phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng.
Trước đây, có nhiều quầy hàng bán các sản phẩm làng nghề, đồ handmade của Việt Nam, nhưng đã dần “chết yểu” trước sức ép về giá cả, mẫu mã của hàng Trung Quốc.
Quần áo là mặt hàng chiếm đa số tại chợ đêm, với giá cả rẻ bất ngờ và mẫu mã bắt mắt. Nhiều cửa hàng trưng biển đại hạ giá với dòng quảng cáo “Hàng Quảng Châu xịn”, nên thu hút được nhiều khách ghé mua. Áo khoác mùa đông có giá dao động chỉ từ 150.000 - 250.000 đồng, rẻ hơn rất nhiều so với áo cùng loại của Việt Nam, khách mua đông, nên các cửa hàng kiểu này ngày càng mọc lên như nấm.
Một chủ quầy quần áo tại chợ đêm cho biết: “Chị nhập hàng này từ Quảng Châu, nên mới có giá rẻ như vậy, mà đây toàn là hàng “tuyển” nên chất lượng cứ yên tâm. Thực tế, ở chợ đêm chỉ có thể bán được những loại hàng bình dân giá rẻ, bắt mắt này thôi, còn ai có nhu cầu mua đồ xịn thì họ sẽ đến những trung tâm mua sắm lớn”.
Không chỉ có quần áo, tại đây còn bày bán nhiều mặt hàng, phụ kiện đi kèm như dây lưng, giày dép, ví da… có giá “rẻ như cho”. Dây lưng có giá 10.000-25.000 đồng; ví, túi xách dao động từ 50.000 -150.000 đồng; giày dép đủ chủng loại, mẫu mã bắt mắt có giá chỉ từ 20.000 - 100.000 đồng.
Phía trước chợ Đồng Xuân là nơi bán đồ chơi trẻ em và phụ kiện điện tử. Những đồ chơi Trung Quốc xanh đỏ được bày bán tràn lan, rất thu hút các trẻ nhỏ. Các loại đồ chơi này không có nhãn mác, xuất xứ và có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng.
Hàng Việt Nam loay hoay tìm chỗ đứng
Trong gần 3km chợ đêm, chỉ có vài quầy bán hàng Việt, con số này là vô cùng ít ỏi so với lượng hàng dày đặc tại đây. Các mặt hàng chủ yếu là sản phẩm mỹ nghệ, đồ len đan handmade… và lượng khách cũng rất thưa thớt.
Chị Nga - chủ một quầy bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ - cho biết: “Bán sản phẩm thủ công là lựa chọn gần như duy nhất của tôi, vì đây là sản phẩm độc đáo, các nơi khác khó làm được. Còn các mặt hàng khác thì không thể cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. Khách hàng chủ yếu là người nước ngoài, người Việt rất ít, lượng hàng bán được mỗi tối cũng không nhiều”.
Câu trả lời cho sự ế ẩm của hàng Việt Nam có lẽ nằm ở mẫu mã và giá cả. Các mặt hàng của Việt Nam nhìn chung còn rất đơn điệu, lặp đi lặp lại, không bắt kịp được thị hiếu của người tiêu dùng. Các sản phẩm thủ công mấy năm nay vẫn chỉ là lược, trang sức bằng sừng, các sản phẩm từ dừa và đồ len, thêu…, chưa tạo được sự đột phá trong mẫu mã. Hơn nữa, giá cả đắt hơn từ 50 - 90% so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, nên không thu hút được người mua.
Chợ đêm phố cổ lẽ ra phải là “sân chơi” của người Việt Nam, bày bán những sản phẩm đặc trưng của Việt Nam cũng như giới thiệu nét văn hóa của thủ đô đến bạn bè quốc tế, thì nay, nơi đây đang trở thành nơi bày bán đủ loại hàng hóa từ Trung Quốc, còn hàng nội địa thì vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng trên “sân nhà”.