Ông David Dương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đã cho biết như vậy trong một cuộc trò chuyện với phóng viên.
Phóng viên: Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc xử lý rác thải của công ty tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (KLHXLCTĐP - huyện Bình Chánh, TP HCM) được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Ông David Dương: Trong thời gian TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, mỗi ngày lượng rác thải chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước khoảng 4.000 tấn, giảm 2.000 tấn so với trước đây. Mặc dù trong mùa dịch Covid-19 này, khối lượng rác TP giao đến KLHXLCTĐP giảm gần 2.000 tấn ngày nhưng công ty VWS vẫn duy trì đầy đủ công nhân viên làm việc để tạo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động.
Trong tình hình khó khăn, chúng tôi vẫn phải cố gắng tổ chức sản xuất, bố trí ca, kíp phù hợp, bảo đảm an toàn công tác phòng chống dịch.
Ông David Dương trò chuyện cùng nhân viên VWS trong dịp về thăm quê hương
Việc bảo đảm việc làm, thu nhập, phòng chống dịch bệnh cho công nhân, lao động được công ty tổ chức ra sao? Đâu là khó khăn?
- Để duy trì việc tiếp nhận, xử lý rác thải, cũng như bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, VWS thực hiện mô hình "3 tại chỗ". Theo quy định, doanh nghiệp hoạt động "3 tại chỗ" phải bảo đảm khu sản xuất phải tách riêng biệt với khu ở, sinh hoạt; bảo đảm đủ điều kiện tối thiểu về ăn, ở, vệ sinh môi trường (nhà vệ sinh, nhà tắm…), phân khu riêng biệt giữa nam và nữ; bảo đảm phòng cháy, chữa cháy…
Theo mô hình "3 tại chỗ", chuyên gia, nhân viên và công nhân trực tiếp xử lý rác đều được chúng tôi bố trí lo chỗ ăn, ở tại văn phòng công ty và nhà máy; nghiêm túc thực hiện quy định về phòng chống dịch.
Bên cạnh bảo đảm việc làm, thu nhập, mỗi công nhân viên được hỗ trợ thêm khoảng 300.000 đồng/ngày để lo việc ăn ngủ, sinh hoạt tại chỗ.
Về công tác phòng chống dịch, mỗi tuần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 một lần cho toàn bộ công nhân viên. Tài xế giao rác, vật liệu xây dựng khi vào nhà máy chỉ giao rác, hàng hóa và không được tiếp xúc với nhân viên trong nhà máy. Mỗi công nhân được trang bị bảo hộ đầy đủ từ khẩu trang, găng tay, thuốc khử khuẩn. Ngoài ra, công ty còn mua thêm thuốc bổ, tăng đề kháng cho công nhân trực tiếp sản xuất để có sức khỏe thật tốt trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội và làm việc an toàn...
Nhân viên VWS đang làm việc tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước
Khó khăn là việc tổ chức theo mô hình "3 tại chỗ" làm tăng chi phí rất nhiều, trong khi lượng rác thải giảm làm ảnh hưởng đến doanh thu. Nếu kéo dài việc thực hiện mô hình 3 tại chỗ, sẽ gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp.
Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực, làm đảo lộn đời sống xã hội, rất cần sự đồng hành, chia sẻ của doanh nghiệp. Dù khó khăn như vậy nhưng thời gian qua, VWS vẫn rất tích cực đóng góp cho công tác phòng chống dịch?
- Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đóng trên đia bàn xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên hỗ trợ địa phương nhu yếu phẩm; Công ty cũng dự định tặng một chiếc xe cho địa phương hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 đi cấp cứu, điều trị...
Đến nay, VWS đã tài trợ nhiều trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, trao tặng 3.600 dụng cụ test nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 do Hàn Quốc sản xuất cho Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Bến Tre và tỉnh Đồng Tháp với tổng trị giá 554,4 triệu đồng vào ngày 16-7. Bên cạnh đó, tài trợ khẩu trang N95, bộ quần áo chống dịch Covid-19 cho một số địa phương, cơ quan, đơn vị tuyến đầu phòng chống dịch…
Việt Nam đang thực hiện chiến lược "ngoại giao vắc-xin", tranh thủ tối đa các nguồn vắc-xin cho đất nước. Là một doanh nhân có uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp tại Mỹ, ông đã có những đóng góp gì cho công tác này?
- Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, chính quyền TP HCM đã và đang tích cực đàm phán, huy động các nguồn lực để có thêm nhiều nguồn vắc-xin. Đây là việc làm cần thiết để sớm thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021.
Với trách nhiệm của một kiều bào, doanh nhân, 3 tháng qua, trong thời gian ở Mỹ, tôi trực tiếp đi vận động, đến văn phòng của các thượng nghị sĩ, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ để tác động việc mua vắc-xin dành tặng cho Việt Nam. Tôi cũng vận động một số doanh nhân tại Mỹ để cùng chung tay góp sức.
Tiếc là do trong tình hình khan hiếm vắc-xin như hiện nay, mọi con đường mua vắc-xin đều được giao về cho chính phủ các nước, nên chúng tôi vẫn chưa mua được.
Chính phủ Việt Nam cũng đang khẩn trương đẩy mạnh đàm phán, hợp tác với các nước về chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin. Về việc này, được biết ông cũng đã có những cuộc "vận động hành lang"?…
- Đây là vấn đề lớn của quốc gia mà nhiều kiều bào, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đóng góp hết sức mình.
Tôi cũng đã đàm phán, ký hợp đồng ghi nhớ và đang đi vào các chi tiết của hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin với một nhà cung cấp vắc-xin của Mỹ. Song song đó, chúng tôi đang tìm nhà sản xuất tại Việt Nam để thực hiện việc chuyển giao công nghệ này.
Quy trình, thủ tục chuyển giao công nghệ phải đáp ứng đầy đủ điều kiện, quy định pháp luật của nước chuyển giao và nước tiếp nhận. Nếu mọi việc được thuận lợi, tôi tin Việt Nam sẽ có công nghệ sản xuất vắc-xin Mỹ được sản xuất ngay tại Việt Nam.
Với những gì đã và đang làm, chúng tôi mong muốn đóng góp một phần công sức mình, cùng cả nước sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh để đưa cuộc sống trở lại bình thường.