Nỗi niềm của người tha hương
Bên lề của những ồn ào, náo nhiệt thường thấy trên đường phố là những quán hàng rong, các quầy hàng thức ăn truyền thống vẫn ngày đêm miệt mài bám trụ, làm kế sinh nhai cho hàng vạn mảnh đời tha hương lập nghiệp tại các thành phố lớn. Và đằng sau nỗ lực bền bỉ mỗi ngày của những người làm cha làm mẹ đang phải bươn chải xa nhà vì cái ăn, cái mặc của cả gia đình là nỗi khắc khoải phải bỏ lại sau lưng những đứa trẻ ở quê nhà, để rồi lòng cứ bồi hồi, ngậm ngùi mỗi độ xuân sang.
Những quán ăn nhỏ trong những con hẻm ở các thành phố lớn không chỉ gánh nỗi lo cơm ăn áo mặc thường ngày, mà còn chở cả ước mơ và tương lai của những đứa trẻ
Anh Trọng Bảo, chủ quán hủ tiếu ở góc đường Huỳnh Văn Bánh tại quận Phú Nhuận, TP HCM, đã mấy mùa Tết chẳng thể về với con. Quê nhà và chốn mưu sinh nằm ở hai đầu đất nước nên anh đành bấm bụng gửi con cho ông bà từ lúc 6 tuổi. "Hai vợ chồng từ Hà Nội vào đây lập nghiệp từ năm 2006. Vào đây làm ăn có tiền dư dả một ít thì còn về quê thăm các cháu, nhưng mấy năm rồi tôi chưa về được. Ngoài nhà trông mong lắm, mỗi năm chỉ có ngày Tết để đoàn tụ với gia đình, nhưng biết sao được…", anh cho biết.
Nỗi thèm thuồng được ôm con vào lòng, được hít hà cái má thơm mùi sữa của lũ trẻ đã quá quen thuộc với những lao động xa nhà tại Sài Gòn. Chị M.Hương (30 tuổi, ngụ quận Tân Phú) chia sẻ: "Từ dạo lên đây làm tạp vụ là tôi phải ngậm ngùi gửi 2 đứa nhỏ cho bà ngoại để tập trung kiếm tiền lo cho tụi nhỏ. Đưa con theo không ai chăm được. Lương tạp vụ ba cọc ba đồng nên dù nhớ lắm nhưng thường Tết tôi lại tranh thủ nhận giúp việc theo giờ cho các gia đình để kiếm thêm thu nhập, mùa này là mùa kiếm thêm được nhiều nhất trong năm. Ba năm rồi tôi chưa về nhà lần nào đúng dịp Tết."
Thế mới thấy, cuốn theo cái tất bật cơm áo gạo tiền của người lớn, những câu chuyện mưu sinh ngày Tết, là những đứa trẻ hiếm khi được thấy mặt cha mẹ, phải chịu quen dần với cái thiệt thòi thiếu niềm vui sum họp gia đình ngày Xuân…
Điều ước đêm 30 thành hiện thực nhờ ứng dụng công nghệ
Có lẽ đối với lũ trẻ trong những câu chuyện kể trên, điều ước duy nhất cho đêm giao thừa chỉ đơn giản là được sà vào lòng cha mẹ của mình, để cảm nhận một phần của Tết đoàn viên. Xót xa thay, chúng phải thừa nhận rằng, mình chưa được hạnh phúc!
Khi nỗi lo cơm áo, cực chẳng đã, buộc phải làm xa thêm khoảng cách địa lý của các thành viên trong gia đình, thì công nghệ đang phát huy sứ mệnh của mình để kéo gần lại Tết ấm, tình thân. Sáng kiến "Để không ai bị bỏ lại phía sau" do ứng dụng công nghệ Gojek phối hợp với chương trình CafeTek là một ví dụ.
Với nhiều quán hàng vỉa hè, dẫu có thể được nhiều khách hàng yêu thích món ăn tìm đến ủng hộ, nhưng nhìn chung, các quầy hàng truyền thống này vẫn rất mỏng manh, dễ bị tổn thương trước các ảnh hưởng của thời tiết, bệnh dịch… Những biến số này khiến thu nhập của họ không ổn định, bấp bênh. Việc tiết kiệm để được một lần về nhà ăn Tết cũng khó thành hiện thực.
Trong chương trình "Để không ai bị bỏ lại phía sau", Gojek giúp đưa các hàng quán truyền thống lên nền tảng GoFood để tiếp cận được hàng triệu khách hàng trên ứng dụng. Các chủ quầy hàng như anh Bảo cũng nhận được một chiếc điện thoại thông minh để có thể nhận đơn đặt hàng trực tuyến, mở ra cho họ cơ hội chủ động cải thiện thu nhập hàng ngày. Những ngày này, ngoài khách quen đến ăn tại chỗ hay mua về, anh Bảo cũng bắt đầu tất bật chuẩn bị đơn hàng cho các bác tài Gojek, khấp khởi hy vọng buôn bán khởi sắc hơn. Đường về Hà Nội ăn Tết cùng các con và ông bà sẽ không còn xa nữa.
Mỗi một đơn hàng bán đi, niềm tin về một cái Tết sum vầy lại càng gần (ảnh cắt từ clip chương trình Cafetek)
Việc hỗ trợ ngày càng nhiều các quầy hàng nhỏ lẻ, các hàng quán của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng tạo điều kiện thu hút thêm nhiều đơn hàng, hỗ trợ rất nhiều cho các bác tài Gojek tăng thêm thu nhập. Chị M.Hương từ đầu năm 2020 đã rời bỏ công việc làm tạp vụ để chuyển sang chạy xe công nghệ cho Gojek, có thu nhập cải thiện và ổn định hơn. Chị chia sẻ: "Tôi mong là Tết này có thể về Trà Vinh thăm con, ăn một cái Tết đúng nghĩa bên tụi nhỏ."
Anh V. Thành (tài xế công nghệ Gojek) chia sẻ: "Trước đây tôi là bảo vệ cho cửa hàng thời trang, Tết chủ thường tăng lương để tôi ở lại trông cửa hàng mấy ngày Tết, nên là dù nhà ở Sài Gòn nhưng tôi hầu như ít có dịp đón giao thừa với gia đình. Đợt dịch cửa hàng làm ăn không được phải đóng cửa, thế là tôi chuyển hẳn qua nghề tài xế công nghệ. Công việc này tự do thời gian nên năm nay tôi quyết định sẽ nghỉ ngơi, chở vợ con đi xem pháo hoa đón giao thừa".
Với những giá trị tích cực mà ứng dụng Gojek đang chủ động tạo ra cho cộng đồng, những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn sẽ được tiếp sức để ổn định cuộc sống. Tết này hy vọng sẽ là một cái Tết vẹn tròn hơn cho lũ trẻ, và những người con xa quê.