Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Lưu Mạnh Tưởng cho rằng, chính sách thuế xuất-nhập khẩu ưu đãi đối nguyên liệu, vật tư, phụ tùng phục vụ ngành công nghiệp sản xuất ô tô theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Áp thuế nhập khẩu 0% đối với vật tư, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu phục vụ ngành sản xuất, ô tô trong nước đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô có sự khởi sắc
Đã hoàn trên 12.000 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng
Ông Lưu Mạnh Tưởng cho biết, kết thúc lộ trình thực hiện ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), kể từ ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm xuống còn 0%, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định 125/2017 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016) nhằm hỗ trợ ngành sản xuất ô tô trong nước.
Theo đó, áp thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước giai đoạn 2020-2024. Để được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt này, doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều điều kiện, trong đó có điều kiện là tại thời điểm đăng ký tờ khai nhập khẩu, doanh nghiệp vẫn phải kê khai, tính thuế đối với linh kiện, vật tư nhập khẩu. Sau khi hoàn tất các thủ tục nhập khẩu, đưa vào sản xuất, doanh nghiệp phải có chứng từ kế toán thể hiện số linh kiện nhập khẩu đã được sử dụng để sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thì được hoàn lại số thuế đã nộp khi nhập khẩu.
"Sau một thời gian thực hiện Nghị định 125/2017, để tạo điều kiện hơn nữa cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định 57/2020 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017) và cho đến nay đã có 13 doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện được hưởng thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước", ông Tưởng cho biết.
"Kể từ khi thực hiện Nghị định 125/2017 đến hết năm 2019 các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đã được hoàn lại tiền thuế 9.500 tỷ đồng. Còn trong 8 tháng đầu năm nay mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng ngân sách nhà nước cũng đã hoàn cho doanh nghiệp 2.600 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu linh kiện, vật tư phục vụ cho hoạt động sản xuất ô tô trong nước", ông Tưởng cho biết thêm.
Tại cuộc Tọa đàm về chính sách thuế thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô vào sáng nay, ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đánh giá rất cao sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô, nhưng vẫn cho rằng, mức độ hỗ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu, đối tượng được hưởng thụ thuế nhập khẩu còn hạn hẹp, mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế chưa bao quát hết…
"Mặc dù là công cụ quan trọng nhất, nhưng thuế cũng chỉ là một trong những công cụ để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Có hàng chục ngàn loại linh kiện, chi tiết, phụ tùng ô tô, nếu không có chính sách đồng bộ, trong đó thuế phải được coi là chính sách quan trọng nhất thì rất nhiều linh kiện, chi tiết, phụ tùng Việt Nam còn lâu mới sản xuất được, nếu không muốn nói là không bao giờ sản xuất được và ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí nói chung, ô tô nói riêng khó có thể phát triển được", ông Thành nhấn mạnh.
Lo Myanmar, Lào, Campuchia "vượt mặt"
Thừa nhận việc áp thuế nhập khẩu 0% đối với vật tư, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu phục vụ ngành sản xuất, ô tô trong nước đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp này có sự khởi sắc, ông Lưu Đức Toàn, Phó trưởng Phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo (Cục Công nghiệp, Bộ Công thương) cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 3 năm gần đây. Cụ thể, năm 2017, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 258.733 chiếc; năm 2018 là 258.116 chiếc; năm 2019 là 281.606 chiếc và 8 tháng đầu năm nay đạt 154.171 chiếc.
"Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định được vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lương và chất. Hiện cả nước có khoảng 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi. Đặc biệt, một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu; một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines…", ông Toàn thông tin.
"Thị trường ô tô trong nước vài năm gần đây tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng. Với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe con dưới 9 chỗ ngồi như hiện nay (bình quân 20-30%/năm), Việt Nam sẽ sớm vượt qua Philippines cả về sản xuất và bán hàng", ông Toàn hy vọng.
Mặc dù rất hy vọng tương lai sáng sủa hơn của ngành công nghiệp ô tô trong nước vốn được đánh giá là vô cùng trì trệ, song ông Toàn cho rằng, ngành công nghiệp này còn quá nhiều thách thức. Đó là sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là ô tô từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia và trong vòng 7-10 năm tới là ô tô từ các quốc gia thành viên CPTPP và EVFTA. Các cường quốc sản xuất ô tô trong khu vực như Indonesia và Thái Lan đang là điểm đến hấp dẫn các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới, họ có nhiều cơ hội thu hút các hãng ô tô hàng đầu thế giới đến đầu tư làm giảm cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này của Việt Nam.
"Bên cạnh sức ép từ các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển trước Việt Nam 30-40 năm như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, thậm chí Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau như Myanmar, Lào và Campuchia", ông Toàn lo lắng.
Ông Lê Dương Quang cho biết, Thủ đô Vientiane của Lào có đến nửa triệu xe ô tô còn Hà Nội chỉ có khoảng 600.000 chiếc trong khi về dân số, diện tích Hà Nội lớn hơn rất nhiều lần Vientiane. "Vì vậy, chính sách thuế đúng là rất quan trọng, nhưng nếu muốn phát triển ngành công nghiệp này đòi hỏi phải có nhiều chính sách đồng bộ khác nữa. Bởi ngành công nghiệp này chỉ có thể phát triển khi thị trường nội địa phải đủ lớn. Khi thị trường nội địa quá nhỏ, giá thành sản xuất cao, rất khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu nên doanh nghiệp không dám đầu tư vì lĩnh vực này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Như Thái Lan, cường quốc sản xuất ô tô trong khu vực ASEAN, họ chỉ bắt đầu phát triển mạnh mẽ, đẩy mạnh xuất khẩu khi thị trường trong nước đạt 1,2 triệu xe/năm, gấp rất nhiều lần thị trường Việt Nam hiện tại", ông Quang cho biết thêm.