Một công trình nghiên cứu mới đây về vấn đề này do GS-TS Rebecca Thurston ở Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ), được đăng tải trên tờ Menopause, chuyên san của Hội Mãn kinh Bắc Mỹ, được tài trợ bởi Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ.
Bốc hỏa và ra mồ hôi đêm thường được gọi là “các triệu chứng vận mạch”. Trước đây, nhiều người cho rằng các triệu chứng này chỉ kéo dài từ 3-5 năm sau kỳ kinh cuối cùng. Nghiên cứu hiện tại cho thấy các triệu chứng vận mạch kéo dài từ 7-10 năm, xuất hiện vào những thời điểm khác nhau ở từng phụ nữ. Ví dụ, các triệu chứng vận mạch này khởi phát sớm ở phụ nữ béo phì, bị trầm cảm hay lo lắng. Hoặc các triệu chứng này khởi phát muộn ở phụ nữ có cân nặng thấp, hút thuốc lá và da đen. Các triệu chứng vận mạch xuất hiện ở 80% phụ nữ vào tuổi mãn kinh và là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo phụ nữ bước vào giai đoạn này. Nguyên nhân thường được giải thích là do sự dao động của nội tiết tố trong máu nhưng không phải luôn luôn như vậy. Giải quyết các triệu chứng vận mạch này bằng cách nào?
Cách đây vài thập kỷ, nhiều thầy thuốc điều trị các triệu chứng vận mạch ở phụ nữ mãn kinh bằng “liệu pháp bổ sung nội tiết tố” (HRT) với estrogen và progesterone. Cũng chính nhờ estrogen có tác dụng cố định canxi trong xương nên liệu pháp này còn có tác dụng phòng ngừa và điều trị loãng xương. Ngoài ra, nhờ estrogen mà phụ nữ trông tươi trẻ hơn và rất nữ tính.
Trong khi đó, progesterone có tác dụng giảm sự dày lên của lớp nội mạc tử cung nên giảm tỉ lệ ung thư tử cung. Tuy nhiên, nhiều công trình nghiên cứu sau đó đã phát hiện liệu pháp HRT gây ra bệnh tim, ung thư vú, đột quỵ và nhiều biến chứng khác như tắc mạch huyết khối. Do đó, xu hướng điều trị các triệu chứng vận mạch đã có sự thay đổi.
Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học từ Vancouver (Canada) cho dùng progesterone ở phụ nữ mãn kinh bị các triệu chứng vận mạch cho thấy sự an toàn về các chỉ số tim mạch, huyết áp và cholesterol. Progesterone còn được dùng để điều trị trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, cần lưu ý: Không được dùng progesterone khi có chảy máu âm đạo chưa rõ nguyên nhân. Thận trọng ở người suy gan, suy thận”.
Còn công trình nghiên cứu của Bệnh viện Brigham & Women (Mỹ) đã cho thấy dùng liều thấp estradiol hay liều thấp venlafaxine cho kết quả tốt trên các triệu chứng vận mạch. Cần được thầy thuốc tư vấn và khám kỹ về lâm sàng, cận lâm sàng trước khi dùng estradiol, progesterone và venlafaxine.
Vài năm trở lại đây, xu hướng trở về cây cỏ thiên nhiên để chữa bệnh đang trở nên thịnh hành ở nước ta. Một estrogen thực vật được phát hiện trong đậu nành có tên là isoflavone có tác dụng phòng bệnh ung thư, loãng xương, bệnh tim và cải thiện các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, ra mồ hôi đêm, giảm ham muốn tình dục... ở phụ nữ mãn kinh.