Về vấn đề này, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ernst&Young, nhìn nhận thị trường tài chính tín dụng ở Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong 5 năm trở lại đây với nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập giữa NH và các công ty tài chính. Cuối năm 2016, giá trị tín dụng tiêu dùng đạt 6,4% GDP và dự kiến sẽ tăng lên 10% GDP vào năm 2020, tương ứng khoảng 20 tỉ USD.
Các công ty tài chính tập trung chủ yếu ở thành thị nên việc mở rộng thị trường ở khu vực này trong thời gian tới là rất khó khăn. Do vậy, việc mở rộng thị trường ra khu vực nông thôn có thể là hướng đi mới, giúp các công ty tài chính gỡ nút thắt trong chiến lược phát triển lâu dài.
Tuy nhiên, đặc thù của cho vay tiêu dùng ở khu vực nông thôn là khó tiếp cận về mặt địa lý, nhận thức của người dân về cho vay tiêu dùng còn hạn chế nên cần phải có tính đột phá và sáng tạo để khai phá thị trường này. Bà Dương cho biết một số nước có nền tài chính tiêu dùng nông thôn tương tự Việt Nam như Ấn Độ, Bangladesh, Tazania đã rất thành công với sáng kiến "Chi nhánh một người". Theo đó, chỉ có một người làm mọi việc của một chi nhánh, từ tiếp nhận hồ sơ đến thẩm định, cho vay. Bên cạnh đó, có thể kết hợp với các đoàn thể địa phương như hội phụ nữ; cho vay các nhóm tự quản với chính sách tự giám sát lẫn nhau, một người không trả được nợ thì những người còn lại cũng không được vay tiếp.
Một mô hình khác mà Việt Nam cũng có thể học hỏi là phối hợp với các HTX để nhân viên tín dụng tiếp cận khách hàng ở nông thôn. Bởi lẽ, Việt Nam hiện có tới 10.756 HTX cùng nhiều tổ chức, đoàn thể như hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… đang hoạt động rộng khắp ở nông thôn.
Tại Việt Nam, cho vay tiêu dùng đã bắt đầu hướng tới thị trường nông thôn. Agribank luôn dành khoản tín dụng lớn cho khu vực này. Các công ty tài chính lớn như FE Credit, HD Saison cũng xác định hướng tới thị trường nông thôn trong kế hoạch phát triển...
Tuy nhiên, mở rộng cho vay tiêu dùng ở khu vực nông thôn không hề là việc đơn giản. Chuyên gia tài chính - NH Lê Xuân Nghĩa cho rằng lãi suất cho vay tiêu dùng hiện khoảng 30%-40%/năm khiến nông dân phải cân nhắc. Bên cạnh đó, hầu hết dân cư tại khu vực nông thôn có thu nhập thấp và không ổn định, nhận thức của người dân về cho vay tiêu dùng còn thấp nên rất khó giải ngân, khả năng mất vốn cao…
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NH Nhà nước, đề nghị cần có chính sách để các công ty tín dụng đáp ứng nhu cầu của người dân, xóa dần tín dụng đen.