Theo NHNN Chi nhánh TP HCM, 5 năm trở lại đây, tốc độ cho vay tiêu dùng tăng trưởng nhanh, bình quân khoảng 20%/năm và xu hướng sẽ tăng mạnh hơn trong những năm tới. Trong giai đoạn 2014-2015, cho vay tiêu dùng chiếm 6%-8% tổng dư nợ tín dụng của cả TP HCM và tiếp tục tăng trưởng mạnh. Đến cuối tháng 10-2016, dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn là 201.000 tỉ đồng, chiếm 14,7% tổng dư nợ, gấp đôi so với 2 năm trước.
TS Bùi Quang Tín, Trường ĐH NH TP HCM, cho rằng nội dung của dự thảo lần này được cập nhật khá nhiều và chặt chẽ hơn so với dự thảo lần đầu nên khi có hiệu lực sẽ giúp thị trường cho vay tiêu dùng phát triển ổn định hơn.
Trở ngại lớn nhất đối với dịch vụ cho vay tiêu dùng hiện nay chính là vấn đề lãi suất.
Bà Vương Thủy Tiên, thành viên HĐTV Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam, nhìn nhận dự thảo quy định rõ về nghĩa vụ minh bạch của công ty tài chính và những thông tin cần cung cấp cho khách hàng khi cho vay, ký kết hợp đồng. Đây là sự đổi mới quan trọng nhằm đạt mục tiêu lành mạnh hóa thị trường tín dụng tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Dù vậy, dự thảo vẫn còn một số bất cập, nhiều ý kiến cho rằng chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường. Chẳng hạn, việc quy định hạn mức cho vay tiêu dùng tối đa chỉ 10 triệu đồng trong dự thảo là thiếu thực tế.
Tại Home Credit, số hợp đồng vay tiền mặt từ 10-30 triệu đồng chiếm tới 71%, vay dưới 10 triệu đồng chỉ chiếm 10% tổng số hợp đồng. Theo bà Vương Thủy Tiên, quan điểm của NHNN là hạn chế sử dụng tiền mặt nên dự thảo đưa ra mức 10 triệu đồng nhưng không công ty tài chính nào đưa trực tiếp tiền mặt cho khách hàng.
Bà Phạm Hải Vân, Giám đốc pháp chế Công ty Tài chính FE Credit, phân tích hạn mức cho vay tiêu dùng được giải ngân theo quy định đối với một khách hàng không vượt quá 10 triệu đồng là quá thấp. Một khách hàng vay tiêu dùng mua xe máy giá thấp nhất hiện nay cũng khoảng 17 triệu đồng.
Ngoài ra, quy định yêu cầu công ty tài chính phải tính lãi chậm trả trên dư nợ gốc quá hạn và tiền lãi quá hạn - một điểm mới trong dự thảo - cũng bị phản ứng.
Đại diện một công ty tài chính phân tích quy định này không thể áp dụng trên sản phẩm lãi suất 0% vì lãi phạt trong dư nợ gốc quá hạn dựa trên lãi trong hạn mà lãi trong hạn của sản phẩm này là 0%. Việc này làm mất đi ý nghĩa của các biện pháp chế tài khách hàng vi phạm cam kết, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc kiểm soát nợ xấu của các công ty tài chính.
“Quy định này có thể khiến các công ty tài chính phải cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp hơn và không thể tiếp tục cung cấp những sản phẩm cho vay trả góp lãi suất 0%. Điều đó khiến khách hàng mất khả năng tiếp cận các sản phẩm có lãi suất ưu đãi này” - vị đại diện này nhận xét.