Canh mua khi thị trường điều chỉnh
Nhịp độ giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần qua tích cực hơn kể từ giữa tuần, sau khi bị ảnh hưởng bởi diễn biến giảm của một số thị trường lớn trên thế giới, cũng như lạm phát có dấu hiệu tăng và khối ngoại duy trì động thái bán ròng.
Thông tin không nâng lô giao dịch từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu, cùng với giải pháp về việc khắc phục nghẽn lệnh tại HOSE và chứng khoán thế giới tăng điểm trở lại, giúp tâm lý thị trường được cải thiện, VN-Index giao dịch trong sắc xanh.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không vồ vập với triển vọng VN-Index sẽ sớm vượt ngưỡng 1.200 điểm.
Các quyết định mua chứng khoán tỏ ra thận trọng, nhưng thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao.
Bà Trần Hoài Thu, nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, đảm bảo cân bằng được rủi ro và cơ hội, chiến lược phù hợp đối với đầu tư giá trị là tận dụng những phiên điều chỉnh của thị trường để tăng tỷ trọng các cổ phiếu nhóm VN30, bluechip và các mã có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Đặc biệt, nhà đầu tư cần "ra vào" hợp lý. Chọn đúng mã cổ phiếu nhưng ra sai thời điểm sẽ bị giảm lãi, thậm chí lỗ.
Theo bà Thu, năm nay sẽ không có chuyện mua cổ phiếu rồi đóng bảng điện tử và sau 3 - 6 tháng bán đi chắc chắn có lãi. Diễn biến giao dịch như năm 2020 sẽ không lặp lại khi không ít cổ phiếu lập đỉnh giá lịch sử. Thị trường đã vận động theo hướng mới mà vẫn áp dụng cách đầu tư cũ sẽ không còn hiệu quả.
"Với diễn biến thị trường trong 3 tháng vừa qua, tôi nghiệm thấy, mua khi thị trường điều chỉnh là chiến lược khả thi, đạt mục tiêu cổ phiếu tăng 10% là bán và lặp lại. Dĩ nhiên, không phải giao dịch nào cũng đạt kết quả như mong muốn, nhưng hiệu quả chung là khá cao đối với tôi", bà Thu chia sẻ.
Hiện tại, nhà đầu tư này đã bán ra phần lớn cổ phiếu, các mã còn nắm giữ là do chưa đạt mục tiêu về giá. Trong tài khoản có tỷ trọng lớn tiền mặt, chờ giải ngân khi cơ hội xuất hiện rõ ràng hơn, ưu tiên mua những mã đã có trong danh mục nhằm hạn chế rủi ro T+3.
Trong khi đó, nhà đầu tư N.T. Dũng nêu quan điểm, giai đoạn hiện nay, các hoạt động giao dịch ngắn hạn nên được thực hiện một cách hợp lý và cẩn trọng.
Tỷ trọng danh mục ngắn hạn không quá 40%, tập trung vào các cổ phiếu có dấu hiệu thu hút dòng tiền hoặc dự báo quý I/2021 đạt kết quả kinh doanh khả quan.
Trường hợp thị trường đảo chiều, mạnh dạn cắt lỗ nếu VN-Index thoái lui xuống dưới mức hỗ trợ ngắn hạn là 1.100 điểm.
Nhóm cổ phiếu mà anh Dũng đang quan tâm là tài chính, bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, công ty chứng khoán (MBB, TCB, ACB), bất động sản (VHM, KDH, NLG), công nghệ thông tin (FPT), công nghiệp (HPG, HSG, VEA), năng lượng (PVS, PVD, GAS), vật liệu (MSR, HT1, PTB, KSB).
Trong tháng 2/2021, thanh khoản thị trường bị ảnh hưởng bởi tình trạng nghẽn lệnh, nhưng tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu trên HOSE vẫn đạt trên 8,3 tỷ cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch gần 208.300 tỷ đồng, bình quân hơn 554 triệu cổ phiếu/phiên và gần 13.900 tỷ đồng/phiên.
Sang tháng 3/2021, thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức cao, bình quân trên 14.000 tỷ đồng/phiên, trong đó phiên 10/3 đạt 18.000 tỷ đồng và phiên này không có hiện tượng nghẽn lệnh.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, nếu phương án xử lý nghẽn lệnh tại HOSE sớm được triển khai thì dòng tiền đang chực chờ sẽ chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, nâng giá trị giao dịch lên 20.000 tỷ đồng/phiên hoặc cao hơn nữa.
Tâm lý hoài nghi vẫn còn
Trong hai tuần qua, ngay cả khi thị trường giao dịch trong sắc xanh, chỉ số tăng điểm, tâm lý hoài nghi của không ít nhà đầu tư vẫn hiện hữu.
Nhà đầu tư than thở, thị trường càng ngày càng khó "chơi", sau những cú đơ lệnh và khối ngoại liên tục bán ròng (kể cả với nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền như VCB, HPG, BID...) thì VN-Index có tình trạng "xanh vỏ, đỏ lòng" do hiện tượng một số cổ phiếu trụ được "kéo" lên. Mặc dù chỉ số nhích tăng nhưng danh mục của đa số nhà đầu tư vẫn chưa nhích theo.
VN-Index gần đây có diễn biến đi ngang sau khi phục hồi từ đợt điều chỉnh đầu năm, cơ hội đầu tư ngắn hạn đòi hỏi sự linh hoạt hơn trong mỗi quyết định giao dịch.
Bức tranh toàn cảnh của thị trường trong nước và thế giới cũng như nhiều loại tài sản đầu tư không còn thuận lợi như cách đây 2 - 3 tháng. Một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc còn lo ngại về việc đi đến đỉnh của quá trình phục hồi và xuất hiện rủi ro lạm phát quay trở lại.
Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán TP.HCM nhìn nhận, các nền kinh tế lớn trên thế giới mới đang dần đi đến giai đoạn đỉnh của quá trình phục hồi, chứ chưa thực sự bước vào pha tăng trưởng chậm lại.
Kinh tế Việt Nam thường đi sau các quốc gia lớn khoảng 2 - 3 quý, hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy đang ở giai đoạn đầu của quá trình hồi phục nên còn 6 - 9 tháng nữa mới đi đến đoạn giữa của chu kỳ kinh tế. Thị trường chứng khoán có thể đã trước nền kinh tế khoảng 3 tháng, do đó, 3 - 6 tháng tới mới đến giai đoạn khó khăn.
Minh họa trực quan nhất cho quan điểm trên là quan sát chu kỳ kinh tế trước khi chỉ số chứng khoán tạo đỉnh vào đầu tháng 4/2018. Khi đó, các nền kinh tế lớn đã qua đỉnh và Việt Nam dần đi tới đỉnh chu kỳ.
Hiện tại, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu nên có cơ sở để tiếp tục đặt niềm tin vào thị trường chứng khoán. Những ngành được kỳ vọng có lợi nhuận tốt là thép, dầu khí, thủy sản, cảng, ngân hàng, chứng khoán.
Lo ngại lớn đối với thị trường chứng khoán cũng như các nhà đầu tư đó là nguy cơ các ngân hàng trung ương tăng lãi suất trở lại, điều này sẽ chấm dứt thời kỳ tiền rẻ.
Trong khi đó, nhà đầu tư Nguyễn Hữu Bình tỏ ra quan ngại về những nhà đầu tư mới do dịch bệnh Covid-19 đã tìm đến kênh chứng khoán để kiếm lời, khoản tiền nhàn rỗi của một bộ phận doanh nghiệp cũng vậy. Hiện chỉ số đang ở vùng đỉnh lịch sử, cơ hội giảm đi, liệu họ có còn hứng thú để tiếp tục giao dịch, thúc đẩy thị trường tăng điểm?