Theo Bộ Tài chính, số lượng và loại hình doanh nghiệp tham gia thị trường trái phiếu ngày càng đa dạng, bao gồm khối sản xuất, dịch vụ và xây dựng dù khối lượng phát hành thấp hơn năm trước. Trong đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu huy động vốn lớn nhất trên thị trường, chiếm khoảng 49% tổng khối lượng phát hành. Lãi suất bình quân huy động của nhóm này cao hơn mức bình quân của thị trường khoảng 1,5%/năm.
Riêng thông tin có doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lãi suất lên đến 19,5%/năm để huy động được vốn qua hình thức phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính khẳng định là không có. Bởi, theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, không có doanh nghiệp nào đăng ký phát hành trái phiếu với lãi suất 19,5%/năm trong 4 tháng đầu năm 2020.
Tuy vậy, Bộ Tài chính lưu ý nhà đầu tư khi mua trái phiếu doanh nghiệp cần nắm rõ 5 yếu tố gồm: Trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành và phát hành với mục đích gì? có được bảo đảm hay không được bảo đảm bằng tài sản không? các cam kết của doanh nghiệp đối với trái phiếu rao sao? kỳ hạn và phương thức trả lãi như thế nào?; tình hình tài chính của doanh nghiệp…
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, rủi ro là doanh nghiệp phát hành không trả được vốn gốc và lãi trái phiếu khi gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh, triển khai dự án thất bại hay không hiệu quả. Do đó, nhà đầu tư quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cần thận trọng, không chỉ quan tâm đến yếu tố lãi suất mà cần phân tích được tình hình tài chính, rủi ro về đầu tư.