Công ty CP công nghệ PayME vừa chính thức giới thiệu ví điện tử PayME và kênh thanh toán qua mạng xã hội (Social Payment), với các giải pháp kết hợp thanh toán mạng xã hội và mô hình ví điện tử mở, giúp người dùng, doanh nghiệp thực hiện lệnh thanh toán từ bất kỳ ứng dụng nào.
Ông Lê Hoàng Gia, Tổng Giám đốc, cho rằng Social Payment sẽ là xu hướng bổ trợ cho Social Commerce (mạng xã hội và thương mại điện tử).
Một thống kê gần đây cho thấy quy mô thị trường Social Commerce tại Việt Nam đã đạt đến con số 5,9 tỉ USD. Theo báo cáo của Google &Temasek, toàn bộ thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam dù vẫn giữ đà tăng trưởng 30% mỗi năm nhưng mới chỉ đạt quy mô gần 3 tỉ USD.
Ông Lê Hoàng Gia (phải), Tổng giám đốc PayME nhìn nhận dù thị trường ví điện tử đã khá "chật chội" nhưng doanh nghiệp vẫn muốn thử sức ở lĩnh vực thanh toán. Ảnh: Lam Giang
Người dùng trải nghiệm thanh toán qua ví PayME. Ảnh: Lam Giang
Theo các chuyên gia, thị trường Social Commerce lớn hơn và hấp dẫn hơn rất nhiều so với thương mại điện tử truyền thống. Năm 2019, theo khảo sát "Conversational Commerce - the next gen of E-com" (BCG và Facebook) tại Đông Nam Á, 45% người dùng cho biết họ mua sắm online lần đầu tiên qua cuộc trò chuyện với người bán. Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng của thế giới về thương mại đối thoại.
Ông Lê Hoàng Gia cho biết định hướng của PayME khi tham gia thị trường trung gian thanh toán sẽ là nền tảng ví điện tử mở (Open e-wallet) kết hợp thanh toán mạng xã hội (Social Payment).
PayME đang triển khai 2 tính năng PayME Link - gửi tiền thông qua một liên kết và PayME Key - bàn phím hỗ trợ thanh toán nhanh. Hai tính năng này cho phép người gửi và người nhận tiền, ví dụ cá nhân, đơn vị kinh doanh trên mạng xã hội thực hiện các lệnh thanh toán ngay trong bất kỳ một cuộc hội thoại nào, không cần mở ứng dụng thanh toán, không cần biết số tài khoản, số điện thoại… Người mua hàng thêm thuận tiện với cách thanh toán gần gũi với hành vi dùng mạng xã hội thường ngày.
"Trọng điểm trong mô hình kinh doanh của PayME là ví điện tử mở hướng đến khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt các thương hiệu đã đạt số lượng người dùng nhất định. Ví điện tử mở cho phép doanh nghiệp tích hợp, tự quản lý ví điện tử do PayME thiết kế riêng, từ đó khách hàng có thể sử dụng ứng dụng của thương hiệu như một ví tiền di động, bao gồm cả thanh toán các dịch vụ khác, như điện, nước, bán lẻ, bảo hiểm..." - ông Lê Hoàng Gia nói.
Dù vậy, doanh nghiệp này cũng nhìn nhận việc mới gia nhập và cạnh tranh trên thị trường ví điện tử là không dễ, khi đã có những thương hiệu ví xuất hiện trên thị trường từ nhiều năm qua như MoMo, Payoo, ZaloPay, Air Pay, Moca…
Theo số liệu thống kê, hiện trên thị trường đã có hơn 30 ví điện tử đã được cấp phép. Xu hướng đầu tư vào ví điện tử không chỉ có doanh nghiệp, fintech mà cả một số ngân hàng thương mại cũng tự xây dựng một ví điện tử với những lợi thế cạnh tranh trong thị trường này.