Tính đến tháng 12-2013, số lượng tài khoản chứng khoán đạt con số 1,3 triệu, tăng xấp xỉ 50.000 tài khoản so với thời điểm đầu năm. Điều đáng mừng hơn đối với thị trường chứng khoán (TTCK) là nhiều tài khoản đã hoạt động trở lại, sau một thời gian dài “đắp chiếu”.
Nhiều tài khoản “hồi sinh”
Bà Thiên Châu Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán (CTCK) Bản Việt (VCSC), cho biết số lượng tài khoản hoạt động thường xuyên đã tăng mạnh so với cách đây một năm, chiếm khoảng 40% tổng số tài khoản mở tại công ty, trong đó, nhiều tài khoản đã tái hoạt động trở lại, sau một thời gian dài nằm yên. Theo bà Quỳnh, trong năm 2013, TTCK có rất nhiều “con sóng” và điều này đã thu hút các nhà đầu tư (NĐT) ưa “lướt lát” quay trở lại thị trường.
CTCK Ngân hàng Công thương (VietinbankSC) cũng cho biết, trong năm 2013, đặc biệt là giai đoạn từ sau quý II, nhiều tài khoản mở tại Công ty đã có giao dịch trở lại sau 2 năm gần như bất động. Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy một bộ phận NĐT dần lấy lại niềm tin với TTCK.
Yếu tố quan trọng nhất để “giữ chân” NĐT là sự tư vấn nhiệt tình, hiệu quả của nhân viên môi giới
Tuy nhiên, trên thực tế, số tài khoản thường xuyên có giao dịch chủ yếu vẫn thuộc về những NĐT có kinh nghiệm đeo bám thị trường. Khá nhiều tài khoản của NĐT mở ra chỉ để giao dịch một vài lần.
Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), đơn vị tư vấn cho nhiều DN niêm yết, có rất nhiều NĐT là cán bộ - công nhân viên, cổ đông của các doanh nghiệp (DN) đại chúng. Khi DN chào sàn, họ đã mở tài khoản chứng khoán, song chỉ sau một vài lần giao dịch, bán hết số cổ phiếu đã nắm giữ, họ rút tiền ra và để tài khoản rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. Tuy nhiên, trong nửa năm trở lại đây, số lượng tài khoản có hoạt động tại BVSC tăng lên, điều này cho thấy một số tài khoản đã hoạt động trở lại.
Được biết, tỉ lệ tài khoản có hoạt động thường xuyên tại các CTCK lớn như SSI, HSC, VNDirect… cũng đã tăng lên trong thời gian gần đây.
Trong giai đoạn thị trường xuống dốc mạnh (2009 - 2012), không ít tài khoản của NĐT rơi vào tình trạng “âm nặng” do sử dụng đòn bẩy tài chính, nhưng sang năm 2013, nhiều tài khoản này đã giảm lỗ đáng kể. Anh Nam, một NĐT tại Hà Nội, cho biết tính đến khoảng giữa năm 2012, tài khoản của anh lỗ hơn 2 tỉ đồng và được CTCK nơi anh mở tài khoản khoanh nợ, nhưng điều đáng mừng là khoản nợ này đến nay chỉ còn gần 1 tỷ đồng, nhờ vào việc đảo danh mục đầu tư. Với những tài khoản này, môi giới tư vấn cho khách hàng hoán đổi danh mục cổ phiếu để giảm dần khoản lỗ đã là một thành công lớn.
CTCK chạy đua hút khách
Yếu tố chính để “kích thích” NĐT giao dịch trở lại vẫn là diễn biến hứng khởi của thị trường. Nhìn vào diễn biến thị trường từ đầu năm 2013 đến nay cho thấy, VN-Index đã tăng trên 20%, nhiều cổ phiếu tăng giá từ 20 - 50%, thậm chí có một số cổ phiếu tăng giá tới 150 - 200% như SD5, TCM… cho thấy, cơ hội kiếm lời trên TTCK vẫn rất lớn.
Để “đánh thức” tài khoản của NĐT cũng như giữ chân khách hàng, các CTCK đang đưa ra nhiều chính sách ưu đãi. Chiến dịch chạy đua giảm phí, lãi suất margin đang được các công ty “hâm nóng” trở lại, với mức phí margin thấp nhất phổ biến là 0,041%/ngày và mức phí giao dịch dao động từ 0,15 - 0,2% trên tổng giá trị giao dịch. CTCK Vietcombank (VCBS) áp dụng mức phí margin 0,040%/ngày. Còn tại BVSC, từ tháng 11, mức lãi suất margin áp dụng là 13,5%/năm, là mức rất cạnh tranh trên thị trường. Về phí giao dịch, có CTCK tính mức phí 0,1% trên giá trị giao dịch đối với một số khách hàng lớn.
Tại VCSC, công ty này đang áp dụng mức phí đối với các khách hàng có giao dịch thường xuyên là 0,15%, nhưng theo bà Quỳnh, phí chưa phải là yếu tố quan trọng nhất để “giữ chân” NĐT, mà quan trọng nhất vẫn là sự tư vấn nhiệt tình của nhân viên môi giới. Các môi giới phải có đủ kinh nghiệm, nắm bắt thông tin tốt, để tư vấn kịp thời, có lợi nhất cho NĐT. Ví dụ, tại thời điểm này, việc dự đoán các cổ phiếu sẽ bị loại ra hay lọt vào tầm ngắm của các quỹ ETF trong đợt hoán đổi danh mục sắp tới đang rất “nóng” và các CTCK phải phân tích, tư vấn cho khách hàng các mã cổ phiếu có cơ sở để vào, ra kịp “sóng”.
Nhiều CTCK cho biết thời điểm này luôn dành sẵn nguồn tiền lớn để cung cấp cho khách hàng sử dụng nghiệp vụ margin.