Anh V. chủ một shop quần áo nam tại Hà Nội cho biết, trung bình mỗi năm anh mở khoảng 4 – 5 đợt sale off (giảm giá). Mỗi lần giảm 30 - 50%, đợt hàng thanh lý hết mốt có thể giảm 70%.
Theo bật mí, khuyến mại dù có mức giảm thấp là 20% hay lên đến 70% thì cửa hàng anh vẫn có lời. Anh giải thích: “Mỗi tháng tôi thường sang Trung Quốc 2 lần để lấy hàng, giá rất rẻ. Khi về shop mình đưa giá bán cao gấp 2 – 3 lần, thậm chí gấp 5 lần so với giá gốc. Đơn cử, một chiếc áo len nam, trung bình giá gốc tại chợ ở Trung Quốc là 70.000 đồng. Nhưng khi treo ở shop nó lên 300.000 - 350.000 đồng. Do vậy, nếu đợt giảm giá mức 50% sẽ còn 150.000 - 175.000 đồng, thậm chí giảm 70% thì giá bán vẫn cao hơn so với giá gốc”.
Nhiều shop quần áo giảm giá cao nhưng người mua hàng vẫn bị hớ. Ảnh: Ngọc Lan.
Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng có thể giảm giá. Anh cho biết, mỗi lần mở các đợt sale off, bản thân những người bán như anh phải tính toán rất kỹ. Từ khâu chọn mặt hàng nào giảm giá được, số lượng là bao nhiêu, giảm bao nhiêu % và dự kiến bán được bao nhiêu…. “Nếu mình không xem xét kỹ rất dễ bị lỗ, hoặc đợt sale làm không công”, anh chia sẻ.
Thông thường một năm anh V. mở 3 – 4 đợt sale off, mỗi đợt kéo dài khoảng 1 – 3 ngày, thường vào dịp chuyển mùa và các ngày lễ trong năm. Tuy nhiên, theo anh, những đợt sale off ngày lễ lớn như Tết dương lịch, lễ Tình nhân mới thực sự hiệu quả. Còn các đợt sale chuyển mùa thường là đồ cũ, hàng tồn thanh lý với giá rẻ nên thu lại không nhiều.
Chị Lan, chủ một shop quần áo ở Cầu Giấy, khẳng định thực chất các đợt sale off, giá giảm vài chục phần trăm thì giá bán vẫn còn cao hơn giá gốc rất nhiều. Chỉ những đợt hàng tồn kho nhiều, cửa hàng phải xoay vòng vốn mới giảm về giá ngang bằng với giá gốc. Nhưng hàng bán giá này phần lớn là lỗi mốt, lỗi size hoặc khó bán...
Tùy vào tình trạng của cửa hàng mà có những đợt giảm giá mức độ khác nhau. Thời điểm đầu năm ế ẩm hoặc giữa mùa, các cửa hàng thường giảm nhẹ nhàng 20 – 30%. Giao mùa bán hàng tồn, mức giảm giá là 50%. “Thời điểm cuối hè vừa rồi, shop mở đợt sale off 50%, khách mua đông, lượng hàng bán được nhiều. Chỉ trong một ngày, shop bán được gần 100 sản phẩm. Tuy lời chỉ mấy chục nghìn nhưng tính ra bán được số nhiều, vẫn thu lợi được gấp 3 – 4 lần so với bình thường” - chị Lan chia sẻ.
Theo chị Lan, trong khoảng 1 năm nay, người tiêu dùng không chuộng những đợt giảm giá ảo như 20 %, 30%, 50% dán đầy cửa hàng thời trang. Do vậy, chị rút giảm tất cả các đợt sale off không hiệu quả trong năm.
Người tiêu dùng đang chán dần với các đợt giảm giá ảo của nhiều shop quần áo. Ảnh: Ngọc Lan.
Từng có nhiều kinh nghiệm bán hàng nên anh T., chủ một shop quần áo hàng thùng ở Cầu Giấy cho biết, ngày mở giảm giá, khách càng đông nghịt sẽ càng không hiệu quả. Anh cho rằng, khách đông quá thường xem nhiều mua ít, thậm chí xảy ra tình trạng chen chúc mất cắp đồ, ảnh hưởng đến uy tín của cửa hàng.
Mục đích các đợt giảm giá cửa anh T. là giới thiệu cửa hàng để nhiều người biết đến, thứ 2 là để thanh lý hàng tồn, hết mốt, nhằm quay vòng vốn. Tuy nhiên theo anh, hiện giờ các đợt giảm giá ảo không còn hiệu quả so với thời điểm ban đầu.
Chị Luyến (Xuân Thủy, Cầu Giấy), một người chuyên săn hàng giảm giá, cho biết nhiều cửa hàng chỉ “treo đầu dê, bán thịt chó”. Biển giảm giá 50% nhưng thực chất chỉ giảm giá một số đồ cũ, hoặc nâng giá gốc cao hơn ngày thường.
Chị kể có lần đi mua chiếc váy tại một cửa hàng quen trên đường Cầu Giấy. Hôm trước đã xem giá niêm yết là 250.000 đồng, nhưng ngay hôm sau quay lại, thấy chủ hàng báo giảm giá 20% nhưng giá trên mác chưa giảm lên đến 400.000 đồng.
“Cũng do các chủ shop ngày càng lắm chiêu trò nên người mua hàng không còn hào hứng với hàng giảm giá. Nhiều khi cùng 1 sản phẩm mà 2 cửa hàng lại có giá khác nhau. Do vậy, người tiêu dùng cũng cần tinh ý khi mua hàng. Ngoài ra, cũng nên hỏi giá rõ ràng trước khi mua” - chị Luyến chia sẻ.