Hàng bình dân: nghèo mẫu mã
Gần đây, nhiều hệ thống siêu thị như Coop mart, Satra mart, Big C… xuất hiện gần chục nhà cung cấp nội địa có sản phẩm (SP) dành cho lứa tuổi trung niên (trên 40 tuổi). SP bao gồm đầm công sở, thời trang dạo phố, áo kiểu/sơ mi, quần tây, đồ bộ ở nhà. Giá đầm dao động trên dưới 300.000 đồng/cái; quần tây, áo kiểu, áo sơ mi, đồ bộ mặc nhà trên dưới 200.000 đồng/SP.
Một số ít nhãn hiệu như Đan Châu, Hạnh, Nguyễn Hiền, Sơn Nguyễn, Navy, Cỏ và Hoa… đã đầu tư cho khâu mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu. Đó là những SP được sự chăm chút hơn trong khâu chọn, kết hợp các chất liệu vải, phụ liệu và có giá nhỉnh hơn, khoảng 400.000-600.000 đồng/SP.
Chiếm số lượng áp đảo nhất là áo kiểu, song lại nghèo nàn về mẫu mã và chất liệu. Nhiều nhất là áo voan hoặc thun mỏng in các loại hoa văn, kiểu dáng suôn hoặc bo ở lai; cổ tròn, thuyền, vuông hoặc cánh sen.
Đó là những kiểu áo phụ nữ (PN) trung niên đã mặc từ hàng chục năm nay và khá sặc sỡ. Đơn điệu hơn nữa là các SP quần. Đen, nâu, xám, vải thun dày, ống suôn là “điệp khúc” của quần cho tuổi trung niên.
Nhưng hàng siêu thị vẫn hơn hẳn hàng chợ. Tại chợ Tân Mỹ (Q.7, TP.HCM), khá nhiều gian hàng có bán quần áo cho tuổi trung niên nhưng tất cả các mẫu đều được rập khuôn với áo kiểu, sơ mi hay đồ bộ mặc nhà bằng chất liệu voan, thun mỏng và nhão, hoa văn lòe loẹt.
Một số SP có vẻ như được “đầu tư” hơn, nhưng lại “nâng cấp” mức độ… rườm rà với ren và cườm, thành ra càng thiếu thẩm mỹ. Giá áo quần kiểu này dao động từ 100.000-200.000 đồng/SP. “PN tuổi trung niên vốn đã “cũ” nhưng những bộ đồ này còn khiến chúng tôi… cũ hơn cả ngoại của mình” - một khách hàng ở Q.7, TP HCM hài hước so sánh khi chọn mua quần áo ở chợ.
Thị trường thời trang nghèo nàn khiến chúng ta dễ nhận ra sự giống nhau đến kỳ lạ trong bộ trang phục của chị em nội trợ, bao nhiêu khuyết điểm tuổi trung niên đều phơi bày. Tuy nhiên, với mức giá bình dân, chị em khó lòng có sự lựa chọn nào khác.
Hàng trung - cao cấp: giá cao
Vài năm trở lại đây, ở phân khúc thời trang trung - cao cấp dành cho tuổi trung niên đã có chuyển biến với sự gia nhập của một số nhãn hiệu như Sensorial, Senti, Nem, Ivy, N&M, Como, Miro, Caro, Hội An… Các doanh nghiệp này nhắm đến chị em làm việc trong công sở hoặc hẹp hơn là giới doanh nhân như Sensorial.
Đa số các nhãn hiệu xây dựng đội ngũ thiết kế và mỗi năm ra mắt vài bộ sưu tập cho tuổi trung niên. Chất liệu vải đa dạng hơn với chất lượng và màu sắc khá chuẩn, phom dáng, phối hợp phụ liệu, sự nhấn nhá trong những đường cắt cúp, chít ben, thêu chỉ, đính đá… vừa giúp che khuyết điểm, vừa tạo vẻ sang trọng, thanh lịch. Tuy nhiên, giá các SP này không hề rẻ, thấp nhất là áo kiểu, váy với mức từ khoảng 500.000 đồng/SP; đầm công sở từ một triệu đồng/SP trở lên; đầm dạ hội thì trên dưới hai triệu đồng/SP.
Với mức giá như vậy, chỉ một bộ phận PN công sở có khả năng sắm sửa. Chị Thanh Cầm, nhân viên một đơn vị xuất bản cho biết: “Hàng năm, các nhãn hiệu này có vài đợt khuyến mãi và tôi tranh thủ mua, chứ không có khả năng mua SP nguyên giá”. Nhưng các nhãn hiệu chỉ giảm giá khi muốn giải phóng hàng tồn hoặc bộ sưu tập cũ để ra mắt bộ sưu tập mới. Do đó, hàng giảm giá hạn chế về mẫu mã cũng như kích cỡ.
Khó đủ đường
Ở tuổi trung niên, cơ thể PN phát sinh hàng loạt những thách thức đối với các nhà thiết kế: bắp tay to, nhão; bụng, lưng ngấn mỡ, hông bè, bắp chân to… Theo chị Trần Thị Thu Thủy, chuyên viên thiết kế nhãn hiệu Đan Châu, PN trung niên Việt Nam nói chung và nhóm PN nội trợ nói riêng thường mong muốn những mẫu thời trang cổ điển nhưng vẫn giúp họ trông trẻ trung, sang và lạ. Giá SP lại không được quá cao. “Đó thật sự là một bài toán hóc búa đối với người thiết kế” - chị Thủy chia sẻ.
Chị Nguyễn Thùy Giang Châu, chuyên gia thiết kế nhãn hiệu Sensorial, cho biết thêm: “PN trung niên dễ tăng cân, do đó chất liệu vải phải mang lại sự thoải mái, có sự co dãn nhưng vẫn giúp tạo dáng. Để nhấn nhá và che giấu khuyết điểm, nhà thiết kế sẽ kết hợp thêm các nguyên phụ liệu như đá, ren, nút… Thế nhưng, vải nội thường thô, cứng, mẫu mã kém đa dạng, không có màu chuẩn và độ bền màu; nguyên phụ liệu cũng thiếu thốn nên tất cả chúng tôi đều phải nhập từ Hàn Quốc hoặc Hồng Kông”.
Theo nhiều nhà thiết kế, tạo một mẫu cho tuổi trung niên tốn công sức và thời gian gấp bốn-năm lần so với thiết kế thời trang cho giới trẻ. Số lượng sản xuất trên một mẫu cũng không thể nhiều và rất dễ bị tồn kho. Đó là lý do chi phí tạo mẫu thời trang tuổi trung niên luôn cao.
Mất nhiều thời gian, công sức, rủi ro lại cao nên thời trang cho tuổi trung niên vẫn là lãnh địa khiến nhiều doanh nghiệp dệt may e ngại. Kết quả: PN trung niên Việt Nam, nhất là chị em ở phân khúc bình dân, sẽ tiếp tục “cũ hơn bà ngoại” …