Kinh tế đang có những tín hiệu khởi sắc, tuy chậm nhưng dần dần sẽ nhích lên trong năm 2014. Đó là lời khẳng định của TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Niềm tin của nhà đầu tư tăng
Phân tích bối cảnh kinh tế năm nay, ông Ngoạn cho hay ngay từ cuối năm 2013, nhiều chuyên gia nhận định rằng khởi đầu năm 2014, nền kinh tế sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, đáng mừng. Nhìn lại hai năm qua, Việt Nam liên tục ổn định được nền kinh tế vĩ mô, thế nên điều này củng cố ít nhiều lòng tin của nhà đầu tư. Ngay như thị trường bất động sản (BĐS) dù gặp khó khăn, ùn ứ hàng tồn kho nhưng vẫn có những phân khúc bán chạy so với đầu năm 2013. Bên cạnh đó, cơ hội ký Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) sẽ góp phần rất nhiều vào sự tăng trưởng kinh tế. “Nếu biết tận dụng những tín hiệu này, chắc chắn năm 2014 sẽ có những doanh nghiệp (DN) phát triển mạnh” - ông Mạnh khẳng định.
Gửi tiền ở ngân hàng vẫn là kênh an toàn và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: HTD
Đồng tình với ông Mạnh, TS Dương Như Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng khẳng định, tín hiệu khách quan đáng mừng là việc Việt Nam đẩy mạnh tham gia đàm phán TPP. Đặc biệt những phát biểu gần đây của các quan chức lãnh đạo cho thấy họ rất mong muốn thay đổi những cái cũ, lấp vào đó những cái tiến bộ. Thách thức hiện nay là liệu chúng ta có dám hy sinh lợi ích riêng để thay đổi vì quyền lợi chung hay không mà thôi.
BĐS và chứng khoán “ấm dần”
Theo các chuyên gia tài chính, hiện nay gửi tiền trong ngân hàng vẫn được người dân ưu tiên. TS Hùng cũng khẳng định gửi ngân hàng trong bối cảnh hiện nay vẫn là chọn lựa hàng đầu. Tuy nhiên, thường thì ít ai “bỏ trứng” vào cùng một giỏ. Ông Hùng nói thêm: “Tôi chọn 50/50, nghĩa là một nửa vào ngân hàng và một nửa ở kênh khác.”
Ông Rahn Wood, Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ, Ngân hàng VIB, cho biết hiện nay người tiêu dùng đang tiết kiệm nhiều hơn bao giờ hết. Vì gửi tiền ở ngân hàng vừa lĩnh lãi hiệu quả trong bối cảnh khó khăn, đồng thời cũng rất an toàn. Tuy nhiên, ông Rahn cũng cho hay từ nửa cuối năm 2013, thị trường có nhu cầu rất lớn đối với lĩnh vực BĐS tiêu dùng và mua ô tô.
Kết luận chung, ông Rahn nhận định xu hướng “mua đất và sắm ô tô” sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2014 khi nền kinh tế Việt Nam dần phục hồi. Trong khi đó, các lĩnh vực đầu tư khác có thể bị tác động bởi diễn biến của nền kinh tế toàn cầu. Thế nên sẽ khó dự đoán. Vì vậy, người dân nên thận trọng khi ra quyết định đầu tư.
Mặt khác, TS Nguyễn Ngọc Huy, Trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP HCM) đề cập: “Thị trường chứng khoán năm nay cũng sẽ ấm dần lên. Cụ thể trong năm 2013, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng chứng khoán vẫn tiếp tục tăng điểm. Hơn nữa lãi suất vẫn thấp ổn định nên sẽ có nhiều người lựa chọn kênh đầu tư này”.
Lãi suất sẽ không giảm nhiều
Lãi suất trong năm 2014 cũng phụ thuộc vào việc kiểm soát lạm phát. Với mục tiêu giữ lạm phát là 7% thì lãi suất chưa thể xuống nhiều được. Nói chung, năm nay lãi suất có xuống thì cũng không đáng kể. Khi thị trường ấm dần lên sẽ không cần những chính sách điều chỉnh nữa. Bởi các chính sách hiện nay cũng đã hỗ trợ DN tương đối ổn.
TS VŨ VIẾT NGOẠN, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia
Trông chờ sự thay đổi chính sách
Muốn biết kinh tế năm 2014 có triển vọng hay không phải chờ xem sự thay đổi ở các chính sách. Đất nước ta đã mở cửa nên muốn phát triển thì phải có những chính sách phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, bản thân DN cũng phải tái cấu trúc, lành mạnh hóa để phát triển.
TS BÙI KIẾN THÀNH, chuyên gia kinh tế