Ngày 17-10, Metro Cash & Carry Việt Nam đã khai trương trung tâm bán sỉ mới tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội. Đây là trung tâm thứ 19 của Metro tại Việt Nam, có tổng diện tích bán hàng lên tới 5.100 m2, cung ứng hơn 25.000 mặt hàng các loại.
19 trung tâm là con số đáng nể của Metro, nếu biết rằng vào năm 2001, khi nhận giấy phép đầu tư tại Việt Nam, ban đầu Metro chỉ xin phép mở 8 trung tâm. Kể từ khi khai trương trung tâm đầu tiên tại Tp.HCM, Metro đã đi khá nhanh trong 10 năm qua.
Nhưng sẽ càng đáng chú ý hơn khi gần đây, lãnh đạo Metro đã tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới của mình trong thời gian tới.
Ông Randy Guttery, Giám đốc điều hành của Metro Cash & Carry Việt Nam cho biết sẽ phấn đấu để có từ 30 - 35 trung tâm tại Việt Nam trong 3-5 năm tới.
“Chúng tôi lạc quan về Việt Nam, đó là thị trường tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới của Metro và Metro vẫn muốn tiếp tục đầu tư”, Guttery cho biết.
Trong các năm 2010, 2011, và 2012, Metro đã xây dựng bốn trung tâm mới mỗi năm. Một tốc độ tăng trưởng nhanh và khiến các nhà bán lẻ trong nước khác không khỏi giật mình.
Thế nhưng, ngược với quá trình phát triển “hoành tráng” ấy, các báo cáo tài chính của Metro lại không hề đẹp như mong đợi. Liên tiếp trong nhiều năm, công ty này báo lỗ với ngành thuế với mức lỗ “khủng” nhất trong số các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Một báo cáo của Tổng cục Thuế cho hay, Metro Cash & Carry khai lỗ từ năm 2001 đến 2009 là 1.157 tỉ đồng, đứng đầu bảng trong danh mục các doanh nghiệp FDI khai lỗ. Sau khi số liệu này được công bố, đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về khả năng chuyển giá tại doanh nghiệp này. Tuy nhiên, từ đó đến nay cũng chưa thấy ngành thuế có kết luận chính thức nào, và Metro cũng chẳng buồn giải thích với công luận.
Một trường hợp đáng chú ý khác là Coca Cola. Cũng thuộc diện nghi vấn khi liên tục báo lỗ trong thời gian qua, song mới đây công ty này đã bày tỏ kế hoạch mở rộng diện tích nhà xưởng thêm khoảng 5.000m² ngay tại cơ sở hiện nay ở Đà Nẵng để lắp thêm dây chuyền nhằm tăng công suất sản xuất.
Tuy nhiên, thành phố Đà Nẵng cho biết đang “nghiêm túc xem xét” kế hoạch này vì xét thực tế các đóng góp của doanh nghiệp này cho ngân sách nhà nước rất ít ỏi, trong khi công ty này cũng liên tục báo lỗ nhiều năm qua.
Câu hỏi là nếu vẫn liên tục báo lỗ thì những doanh nghiệp như Metro Cash&Carry hay Coca Cola muốn mở rộng sản xuất kinh doanh để làm gì?