Sau khi Hãng Thông tấn AP đưa tin Công ty Coca-Cola và Công ty Samsung vừa rút các quảng cáo của mình khỏi Zing.vn khi họ được tin trang mạng thông tin này cho phép tải lậu các bài hát Việt và phương Tây, đại diện nhãn hàng Samsung tại Việt Nam và Coca-Cola xác nhận việc này.
Tôn trọng Luật Bản quyền
Đại diện Samsung Việt Nam cho biết quyền rút quảng cáo nói trên thuộc về công ty mẹ ở Hàn Quốc và đã gửi đến Báo Người Lao Động lời phát biểu chính thức của đại diện Samsung ở Hàn Quốc: “Các mẩu quảng cáo của chúng tôi trên trang web Zing đã được gỡ xuống. Chúng tôi tôn trọng Luật Bản quyền và sẽ hành động để chống lại những hành động vi phạm Luật Bản quyền - chẳng hạn như sao chép và phát tán những tài liệu không có bản quyền”.
Ông Nguyễn Khoa Mỹ - Giám đốc đối ngoại của Coca-Cola khu vực Đông Nam Á - cũng xác nhận sự việc này với Báo Người Lao Động và cho biết Coca-Cola ngưng quảng cáo trên Zing.vn từ ngày 27-9, dựa trên nguyên tắc ứng xử của mình. Nguyên tắc ứng xử của Coca-Cola được ông Nguyễn Khoa Mỹ giải thích: “Chúng tôi luôn chọn những đối tác hoạt động hợp pháp để giao dịch và đối tác đó có cam đoan về tính hợp pháp của mình. Khi nhận thấy đối tác có các vấn đề đáng lo ngại, chúng tôi chủ động rút khỏi”.
Zing mp3, một trong những trang mạng bị cáo buộc vi phạm bản quyền
Vấn đề “đáng lo ngại” ở đây, theo ông Mỹ, là Coca-Cola nhận được thông báo của Liên minh Bản quyền Trí tuệ Quốc tế (IIPA) cáo buộc Zing.vn vi phạm bản quyền kèm theo những văn bản chứng minh mà trước đó Coca-Cola chưa có được.
Trả lời Báo Người Lao Động chiều 4-10, đại diện của Zing.vn cho biết: “Zing sẽ không có bất cứ phát ngôn nào về sự kiện, vụ việc này”.
Zing.vn là trang mạng thuộc Công ty VNG, một trong nhiều trang mạng kinh doanh âm nhạc trực tuyến đã bị các đơn vị thuộc Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và nhiều nghệ sĩ Việt Nam tố cáo sử dụng bản quyền của họ một thời gian dài trên Zing mp3 mà không xin phép và không trả tác quyền. Ông Huỳnh Tiết, Giám đốc Bến Thành Audio - Video, từng cho biết đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu được giải quyết nhưng mọi việc vẫn rơi vào im lặng.
Ca sĩ Lệ Quyên cũng đã gửi đơn kiện Zing vi phạm trắng trợn bản quyền các bản ghi âm âm nhạc của cô và cho biết ngày 10-10 tới sẽ là hạn cuối phía Zing phải có hồi đáp chính thức về đơn kiện của cô. Dù phía Zing cũng có ý muốn thỏa thuận trong cách giải quyết vụ việc lẫn mức bồi thường nhưng ca sĩ Lệ Quyên cho biết kiện tụng đòi tác quyền ở Việt Nam rõ ràng là một hành trình không dễ dàng.
Đòn phạt bằng kinh tế
AP cũng bình luận việc rút quảng cáo của Coca-Cola và Samsung ra khỏi Zing là “chiến thắng hiếm thấy” trong việc chống nạn vi phạm bản quyền trên mạng đang diễn ra tràn lan, không thể kiểm soát như ở Việt Nam lâu nay.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Zing.vn bị IIPA cáo buộc vi phạm bản quyền trong năm nay. Theo thông tin từ AP, việc một nhãn hàng có thương hiệu lớn toàn cầu như Coca-Cola hay Samsung lại đồng ý quảng cáo trên Zing là không thể chấp nhận được. Đó là lý do vì sao cả hai thương hiệu này phải chịu những chỉ trích khá nặng nề ở Mỹ.
Thậm chí, vào tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Các nhà quảng cáo Mỹ đã khuyến cáo các thành viên của mình ngăn chặn hoạt động quảng cáo bất hợp pháp nói trên. AP cho rằng quyết định ngừng quảng cáo của Coca-Cola và Samsung có thể nhắc nhở các trang web ở Việt Nam chấn chỉnh hoạt động của họ.
Đánh thức lòng tự trọng
Sự việc này cũng mở ra một suy nghĩ mới cho các nhãn hàng khác khi quyết định chọn đối tác để quảng bá, không chỉ vì tôn trọng bản quyền mà là tự trọng thương hiệu của mình. Cho đến thời điểm này, dù bị chỉ trích một cách nặng nề nhưng xì- căng- đan trong các chương trình truyền hình thực tế vẫn là yếu tố chính góp phần thành công cho các nhà sản xuất chương trình về mặt doanh thu, qua nhãn hàng đứng tên tài trợ và quảng cáo.
Lâu nay, các nhãn hàng tham gia tài trợ quảng cáo cho một chương trình truyền hình, một sự kiện văn hóa nghệ thuật, một trang thông tin mạng... đều quan tâm đến lượt người xem, người đọc mà chương trình hay trang thông tin đó mang lại, bất kể những thông tin, nội dung chương trình tốt hay xấu, vì mục đích cuối cùng là sản phẩm của họ được càng nhiều người biết đến càng tốt.
Không dừng lại ở việc tôn trọng bản quyền, nếu các nhãn hàng đều có động thái tôn trọng những giá trị tốt đẹp thì đây sẽ là một giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc bùng nổ các thông tin, chương trình “thảm họa” trong đời sống văn hóa, nghệ thuật, giải trí như hiện nay.
Nhật áp dụng biện pháp cứng rắn Chính phủ Nhật Bản áp dụng biện pháp cứng rắn đối với các hoạt động vi phạm bản quyền trên mạng bằng việc ban hành luật, có hiệu lực từ ngày 1-10-2012, với án tù 2 năm hoặc án phí 2 triệu yen (khoảng hơn 500 triệu đồng). Hoạt động tải lậu có thể bị kết tội nếu người dùng bị phát hiện sao chép một tập tin lậu hoặc chứa một tập tin lậu trên máy tính của mình.
Tại Nhật Bản, tải lậu file từ internet chính thức bị xem là hành vi phạm pháp kể từ năm 2010 nhưng thời điểm đó chưa có các mức phạt cụ thể. Song song với hành vi tải lậu, hoạt động đưa lậu video và nhạc số lên mạng (upload) có thể bị kết án tù tối đa lên đến 10 năm và án phí 10 triệu yen (tương đương 2,5 tỉ đồng). Động thái của chính phủ Nhật Bản là một phần trong chiến dịch đối phó nạn vi phạm bản quyền số ở một quốc gia có thị trường nhạc số với doanh thu lớn thứ hai sau Mỹ. |