Trong khuôn khổ hợp tác Việt - Nhật hướng đến năm 2020 có 6 ngành mũi nhọn là điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông - thủy sản, đóng tàu, môi trường - tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. Đặc biệt, trong đó có 3 ngành liên quan chặt chẽ đến doanh nghiệp là chế biến nông - thủy sản, máy nông nghiệp và môi trường - tiết kiệm năng lượng. Các chuyên gia cũng cung cấp cho doanh nghiệp các chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo của Nhật dành cho Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản luôn quan tâm đến ngành công nghiệp phụ trợ, năng lực cạnh tranh trong khu vực và cả quốc tế. Ngành ô tô, đóng tàu đã thất bại nhưng trong tiến trình công nghiệp hóa này, Việt Nam vẫn tiếp tục đưa vào vì đây là thế mạnh của Nhật, trong đó ngành ô tô không đầu tư dàn trải mà chỉ chú trọng đến dòng xe nào đó. Bà Lan cũng nhấn mạnh cần phải cải cách nhiều mặt và cải thiện năng lực cạnh tranh.
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, cho biết trong chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó đến năm 2015, Việt Nam gần như mở cửa đầy đủ với thế giới. Năm 2018, gia nhập đầy đủ với AFTA, trong đó có thuế suất ô tô bằng 0. Việt Nam đang tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó năng suất là yếu tố quan trọng để cạnh tranh. Hiện Nhật Bản đang đầu tư lớn vào Việt Nam và chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang khu vực khác. Nếu Việt Nam không nắm bắt sẽ mất cơ hội này.
Cũng theo bà Anh, 6 ngành mũi nhọn trong công nghiệp hóa phải đổi mới công nghệ, chất lượng tiên tiến, giá trị gia tăng cao. Doanh nghiệp là đối tượng chính trong chiến lược trên và cần huy động tối đa nguồn lực của Chính phủ, doanh nghiệp, nhà khoa học. Hiện Việt Nam còn đang ở hạ nguồn (còn ở khâu lắp ráp), ngành công nghiệp, ngành hỗ trợ còn yếu kém. Ngành chế biến nông - thủy sản có tiềm năng do có nguồn cung cấp nhưng khâu chế biến, bảo quản còn yếu. Ngành ô tô có thị trường lớn với hàng chục doanh nghiệp tham gia nên cần tìm dòng xe chiến lược để cạnh tranh và phát triển công nghiệp phụ tùng ô tô. Sáu ngành trên có độ liên kết cao, có tiềm năng sẽ tạo được cú hích tăng trưởng, xuất khẩu, tạo liên kết trong chuỗi.
Ba định hướng chính là mở rộng và tạo môi trường phát triển công nghiệp hỗ trợ sâu gắn với chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao và đưa vào vận hành dự án lớn trong lĩnh vực thượng nguồn (hóa dầu, sản xuất thép, điện). Các giải pháp chung là hoàn thiện chính sách pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, phát triển một số vùng, địa phương thành động lực của chiến lược công nghiệp hóa. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, rà soát và đánh giá. Việt Nam và Nhật Bản đang tập trung hợp tác trong một số lĩnh vực trọng tâm.