Đó là nhận định của bà Tôn Minh Phương, Trưởng phòng Phân tích CTCK Bản Việt (VCSC). Theo bà Phương, giao dịch của khối ngoại sôi động hơn không đồng nghĩa với việc thị trường sẽ tăng điểm. Từ tháng 10 đến nay, VN-Index dao động quanh mốc 500 điểm, để chỉ số này bứt phá, cần phải dựa vào các mã trụ cột.
Thống kê cho thấy, các cổ phiếu như GAS, VNM… có đóng góp rất lớn vào mức tăng điểm của VN-Index. Các mã trụ cột đã tăng giá mạnh kể từ đầu năm, do đó, trong thời gian tới, các mã này sẽ khó đạt được mức tăng giá ấn tượng để giúp VN-Index vươn lên mốc 550 điểm như một số ý kiến dự báo.
Về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, bà Phương cho rằng, trong quý IV, có thể có sự đột biến về lợi nhuận tại một số doanh nghiệp bất động sản có dự án đã đủ điều kiện ghi nhận doanh thu, nhờ việc đẩy mạnh bán hàng cuối năm, cộng thêm việc tín dụng cởi mở hơn từ phía các ngân hàng cho người mua.
Hoặc tại các doanh nghiệp khai thác cảng, nhờ hoạt động xuất khẩu cuối năm tăng mạnh, phục vụ mùa lễ tết.
Hay ở các doanh nghiệp cao su tự nhiên, do tính thời vụ của việc khai thác cao su và thuế xuất khẩu giảm.
Một trong những nhóm cổ phiếu được quan tâm là bất động sản
Riêng cổ phiếu bất động sản, các mã vốn hóa lớn đã tăng giá mạnh, nên sẽ chững lại. Dòng tiền từ việc chốt lời các mã vốn hóa lớn sẽ dịch chuyển sang các mã có vốn hóa nhỏ, nhất là các mã bị “đè” giá trong một thời gian dài.
Đồng tình với nhận định trên, ông Đoàn Đắc Hiển, Trưởng phòng Môi giới Tư vấn CTCK VNDirect, cho biết giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7, dòng tiền ngoại chững lại, nhưng từ cuối tháng 8 đến nay có xu hướng mua ròng.
Thị trường hiện tại vẫn đang theo dõi động thái của khối ngoại, đặc biệt việc cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ ETF trong tháng 12 có thể sẽ khuấy động một số nhóm cổ phiếu trên thị trường.
Trong ngắn hạn, triển vọng nới room cho NĐT nước ngoài có thể tiếp tục hỗ trợ thị trường, dù đã được phản ánh vào giá cổ phiếu trong những phiên vừa qua.
Ông Hiển nhận định từ nay đến cuối năm, VN-Index nhiều khả năng dao động trong vùng 496 - 512 điểm, tích cực hơn là 520 điểm. Trường hợp thị trường đi ngang trong vùng điểm này, các cổ phiếu vẫn có sự phân hóa.
Một trong những nhóm cổ phiếu được NĐT quan tâm sẽ là cổ phiếu bất động sản, bởi đây là nhóm tập trung dòng tiền đầu cơ nhanh nhất và thị trường vẫn kỳ vọng vào Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Động thái mua nợ xấu của tổ chức này tại các ngân hàng có thể gián tiếp kích hoạt cổ phiếu bất động sản tăng giá.
Còn theo CTCK MB (MBS), có hai yếu tố chính tác động là triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới và xu hướng dịch chuyển của dòng vốn “nóng” vào các thị trường mới nổi và sơ khai.
Nền kinh tế Việt Nam đã chạm đáy và có xu hướng phục hồi, mặc dù còn chậm trong năm nay và có thể là trong năm tới. Do đó, một bộ phận NĐT nước ngoài sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam, song mức độ rót vốn của họ nhiều khả năng mang tính thăm dò và có quy mô nhỏ. Tiến độ rót vốn đầu tư sẽ chậm và đồng biến với sự cải thiện của nền tảng kinh tế vĩ mô.
Thứ hai, dòng vốn “nóng” từ NĐT nước ngoài chảy vào các thị trường mới nổi (trong đó có Việt Nam) phụ thuộc chặt chẽ vào chi phí vốn và khả năng sinh lời của các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Với dấu hiệu khởi sắc của kinh tế Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, cộng thêm khả năng cắt giảm các gói kích thích tiền tệ trong thời gian tới, dòng vốn “nóng” có xu hướng rút dần khỏi các thị trường mới nổi trong thời gian qua và có khả năng tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, song với mức độ nhẹ hơn.
Ông Hoàng Công Tuấn, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường MBS, đánh giá yếu tố thứ nhất quan trọng hơn yếu tố thứ hai trong việc xác định xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào thị trường Việt Nam trong dài hạn. Theo ông Tuấn, NĐT cần nghiên cứu sâu các công ty để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn, thay vì cố dự đoán xu hướng biến động của thị trường.