Ngân hàng - nghề không đùa với rủi ro
Hình ảnh hai nữ nhân viên của một ngân hàng TMCP bị công an áp tải đi trước những ánh mắt chua xót của đông đảo đồng nghiệp trên một tờ báo không khỏi làm chạnh lòng người xem. Rồi những giọt nước mắt, tiếng kêu oan của nhiều lãnh đạo cấp thấp và nhân viên trong một vụ đại án ngân hàng gần đây cho thấy rủi ro mà người làm nghề phải gánh chịu.
Nhiều khách hàng lo lắng sau những sự cố về tiền gửi ngân hàng trong thời gian gần đây Ảnh:PV
Một CEO ngân hàng TMCP có trụ sở tại TPHCM, người từng từ một cơ quan kiểm toán chuyển qua làm ngân hàng đã từng nói: “Tôi thấy nghề ngân hàng rủi ro luôn luôn thường trực từ những cái nhỏ nhất, ngày này qua ngày khác”.
Ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân Nhà nước Việt Nam (NHNN) nói “Làm nghề này không thể đùa với rủi ro, NHTM với vai trò trung gian huy động nguồn vốn tạm nhàn rỗi từ doanh nghiệp, người dân trong nền kinh tế để cho vay với khách hàng thiếu vốn. NHTM cũng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, với chỉ 1 đồng vốn tự có và coi như tự có nhưng đi huy động vốn gấp đến 18-20 lần, cũng vì thế lợi ích của người gửi tiền luôn được pháp luật bảo vệ hàng đầu”. Tuy nhiên, trong hoạt động ngân hàng, cũng như mọi hoạt động kinh doanh khác đều tiềm ẩn rủi ro, trong đó có rủi ro trong quan hệ người gửi tiền và khách hàng.
Trách nhiệm ngừa rủi ro từ hai phía
Đối với thị trường tiền tệ nói chung, các ngân hàng ở Việt Nam nói riêng, tiền gửi dân cư là một nguồn rất quan trọng để duy trì và mở rộng quy mô hoạt động của mình để đáp ứng các nhu cầu vốn phát triển KTXH. Theo NHNN, tính đến hết năm 2017, tổng phương tiện thanh toán của toàn hệ thống các TCTD đạt gần 8,2 triệu tỉ đồng, trong đó tiền gửi của dân cư gần 4 triệu tỉ đồng, chiếm 48,7% tổng phương tiện thanh toán.
Vì vậy, từ cơ quan quản lý đến các NHTM đều hết sức chăm lo đến nguồn tiền này, bao gồm từ việc đề ra các quy định tuân thủ, tới giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ quan hệ với khách hàng. Chắc chắn, không một ngân hàng nào muốn để xảy ra sự cố “lùm xùm” để phải gánh những chịu thiệt hại về uy tín, giá trị thương hiệu. Do đó phòng ngừa và nhanh chóng xử lý tình huống xảy ra thấu tình, đạt lý là điều ngân hàng luôn mong muốn.
Theo Luật sư Trần Đình Dũng, Trung tâm tư vấn pháp luật TPHCM, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam: “Trong nhiều vụ án nhân viên ngân hàng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng, hầu hết đều có yếu tố khách tin tưởng thái quá vào kẻ lừa đảo, không tách bạch mối quan hệ khách hàng - ngân hàng và mối quan hệ cá nhân với nhân viên ngân hàng ra khỏi nhau. Khi giải quyết tại tòa, rất khó có căn cứ để tòa án tuyên buộc ngân hàng phải trả tiền cho khách hàng bởi các giao dịch rút tiền trên sổ sách giấy tờ đều đầy đủ theo quy trình luật định và tòa án phải tôn trọng chứng cứ sổ sách theo các nguyên tắc tố tụng.
Trên lý thuyết luật định thì tòa án không để người bị chiếm đoạt mất tiền, mà bằng phán quyết buộc cá nhân người phạm tội do rút ruột tài khoản của người gửi để hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt. Nhằm tránh rủi ro, không bị mất tiền tức tưởi như nhiều vụ việc gần đây, người gửi tiền nên lưu ý đặc biệt không ký khống các chứng từ ngân hàng, không ủy quyền, không giao nhân viên ngân hàng giữ giúp sổ tiết kiệm, thỉnh thoảng kiểm tra thông tin tiền e-banking trên điện thoại”.
Một chuyên gia ngân hàng nói “Qua diễn biến của một số vụ mất tiền trong tài khoản của người gửi tiền ở ngân hàng thì có thể nói đây là sự cố rủi ro vận hành của quan hệ ngân hàng - khách hàng. Nên chỉ đạo làm rõ làm rõ những vấn đề liên quan, đúng/sai rõ ràng và xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có liên quan có sai phạm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Nhưng để việc xử lý nghiêm minh phải căn cứ vào các quy định của pháp luật.
Để sớm được như vậy và yên dư luận cả ngân hàng và khách hàng cần hợp tác với các cơ quan pháp luật. Cùng nghiêm túc thực hiện đúng quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ theo luật định thì sẽ bớt rủi ro cho cả hai phía ngân hàng và khách hàng.