Ngày 11-4, VN-Index đã quay đầu giảm mạnh về cuối phiên giao dịch dù buổi sáng VN-Index tăng hơn 4 điểm. Đóng cửa giao dịch, VN-Index giảm 31,01 điểm, còn 1.167,11 điểm; HNX-Index cũng giảm 2,94 điểm, còn 133,74 điểm.
Trước đó, lúc mở cửa giao dịch buổi sáng, thị trường tăng điểm khá. Có thời điểm VN-Index tăng cao nhất 1.202 điểm, tăng hơn 4 điểm so với phiên trước. Tuy nhiên, gần cuối phiên buổi sáng thị trường quay đầu giảm, càng về cuối phiên lực giảm càng tăng. Nguyên nhân được các chuyên gia nhận định phần lớn là do chính sách thắt chặt dòng tiền vào chứng khoán và lo ngại chiến tranh Mỹ- Syria..
Thanh khoản phiên này tương đối khá, với tổng giá trị giao dịch khoảng 10.700 tỉ đồng trên cả hai sàn TPHCM và Hà Nội. Hai sàn có tổng cộng 330 mã giảm giá, chỉ 143 mã tăng còn lại 105 mã đứng giá. Các mã ngành chứng khoán, ngân hàng phiên này đã quay đầu giảm giá. Cụ thể, BID giảm 1.000 đồng còn 44.500 đồng/cổ phiếu; CTG giảm 1.600 đồng, còn 35.700 đồng/cổ phiếu; VCB giảm 3.300 đồng, còn 71.200 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Sài Gòn (SSI), nhận định: "Gặp 5 bố già phố Wall thì cả 5 đều tỏ ra lo ngại về diễn biến tương lai gần của thị trường chứng khoán thế giới khi nguy cơ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ tiếp tục gia tăng cũng như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất. Chắc chắn nếu xảy ra những biến động của thị trường thế giới thì Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng. Thật sự đây là giai đoạn rất nhạy cảm"
Trong khi đó, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP chứng khoán SJC, lại cho rằng nhà đầu tư đang có tâm lý lo lắng thái quá về chiến tranh Mỹ-Syria. Theo ông Tuấn, thị trường giảm chủ yếu do thời gian qua, giá cổ phiếu đã tăng nhiều nên việc nhiều thông tin nhạy cảm xuất hiện cùng lúc rất dễ làm nhà đầu tư lo lắng và sẵn sàng bán tháo. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc khi bán ra cũng như mua vào trong giai đoạn này.
Ông Tuấn cũng cho rằng việc lúc đầu thị trường chứng khoán tăng là phản ứng tăng theo thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua. Nhưng sau một thời gian ngắn mở cửa giao dịch thì xuất hiện tin đồn giảm tỉ lệ giao dịch ký quỹ (margin) từ cuộc họp sắp diễn ra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thực tế, trước đây tỉ lệ này là 50-50, còn tin đồn sẽ áp dụng trong thời gian tới với tỉ lệ chỉ còn 60-40 (nhà đầu tư ứng tiền 60% vay được 40%).
"Với quy mô thị trường hiện nay rất lớn, nếu dư nợ cho vay khoảng 30.000 tỉ đồng mà giảm đi 10% tỉ lệ thì dòng tiền cũng hạn hẹp tỉ lệ tương ứng 3.000 tỉ đồng, vì vậy nhà đầu tư lớn sẽ cân nhắc. Điều quan trọng là tỉ lệ này có đúng hay không, chứ không sẽ tạo điều kiện cho các nhà tạo lập thị trường trục lợi, nhà đầu tư nhỏ lẻ lo sợ" - ông Tuấn nhấn mạnh.