Nguy cơ chiến tranh thương mại đang phủ bóng đen lên thị trường chứng khoán châu Á - Ảnh: Reuters.
Nối tiếp phiên giảm điểm mạnh ở Phố Wall vào đêm qua, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc ngay khi vừa mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu và chuyển vốn sang những kênh đầu tư an toàn vì lo sợ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu.
Tâm lý hoảng loạn bị đẩy cao khi Trung Quốc tuyên bố lên danh sách 128 mặt hàng Mỹ có thể trở thành mục tiêu trả đũa nếu Bắc Kinh và Washington không thể tìm ra giải pháp thông qua đàm phán. Ngoài ra, Trung Quốc cũng lên kế hoạch đánh thuế nhiều mặt hàng Mỹ với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm vào Trung Quốc 3 tỷ USD.
Trước đó, vào ngày 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra kế hoạch đánh thuế nhập khẩu mạnh tay đối với một loạt mặt hàng từ Trung Quốc với tổng kim ngạch lên tới 60 tỷ USD vào Mỹ mỗi năm.
Với những động thái trên, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nhích sát đến miệng hố chiến tranh thương mại, đe dọa kéo lùi sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
"Ảnh hưởng kinh tế đối với cả Trung Quốc và Mỹ sẽ được quyết định bởi dạng thuế quan nào rốt cục được áp dụng. Tác động có thể sẽ được cảm nhận rõ nét hơn ở Mỹ và khiến giá cả tăng lên đối với cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp", bà Hannah Anderson, chiến lược gia trưởng thị trường toàn cầu của JP Morgan Chase Asset Management.
"Thị trường chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do phản ứng của giới đầu tư. Chịu tác động nhiều nhất sẽ là các thị trường Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan bởi các công ty tại các thị trường này chiếm một phần quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu của hàng xuất khẩu Trung Quốc", bà Anderson nói.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản có thời điểm giảm 2,4% sáng nay.
Chứng khoán Australia giảm 1,9%, chứng khoán Nhật sụt 3,2%. Chứng khoán Hàn Quốc trượt 2,3%, trong khi thị trường Đài Loan hạ 2%.
Tại thị trường Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 3,6%. Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc đại lục mất 2,8% điểm số.
Trái với tình trạng "đỏ lửa" đang diễn ra trên các bảng giá chứng khoán, đồng Yên Nhật - một tài sản được coi là "vịnh tránh bão" - tăng giá mạnh so với đồng USD.
Đồng bạc xanh giảm giá khoảng 0,5% so với đồng Yên, tới mức 104,635 Yên/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016. Tuần này, USD đã giảm giá hơn 1% so với đồng Yên.
"Trong dài hạn hơn, các chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể giảm bớt, theo đó hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đối với thương mại và nền kinh tế toàn cầu", chiến lược gia ngoại hối Masafumi Yamamoto thuộc Mizuho Securities ở Tokyo nhận định. Ông Yamamoto nhấn mạnh việc Mỹ miễn trừ một loạt quốc gia khỏi kế hoạch đánh thuế thép và nhôm, thay vì áp dụng hàng rào thuế quan này đối với tất cả mọi quốc gia như dự kiến ban đầu.
"Nhưng cho tới khi Mỹ có những nhượng bộ như vậy, thì thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn còn chịu áp lực giảm và đồng yêu sẽ còn tăng giá, nhất là nếu Trung Quốc quyết định đáp trả các biện pháp thương mại của Mỹ.
Đồng Euro có lúc tăng giá 0,2% so với USD phiên sáng nay, đạt mức 1,2352 USD/Euro.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,25%, còn 89,649 điểm. Tuần này, đồng USD đã hạ 0,6%, dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất. Lý do khiến USD xuống giá là do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, trong bối cảnh giá trái phiếu tăng vì tài sản này được giới đầu tư mua nhiều để tìm kiếm sự an toàn.
Giá dầu thô thế giới tăng trở lại sáng nay sau khi giảm khá mạnh vào đêm qua. Giá dầu được hỗ trợ sau khi Saudi Arabia nói rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga có thể kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu sang năm 2019.
Giá dầu thô giao sau tại New York có lúc tăng 1,2%, lên mức 65,08 USD/thùng, sau khi giảm 1,3% vào đêm qua. Giá dầu thô Brent tại London có lúc tăng 1%, đạt mức 69,58 USD/thùng.
Nhiều hàng hóa cơ bản khác giảm giá mạnh do nỗi lo chiến tranh thương mại. Chẳng hạn, giá đồng giao sau trên sàn LME ở London giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng 6.640 USD/tấn.