Thành công trong đầu tư chứng khoán vốn không chỉ dựa vào hệ thống hoặc chiến lược mà nhà đầu tư (NĐT) đang sử dụng, mà đôi khi còn phụ thuộc vào suy nghĩ và cách thức bản thân phản ứng với thị trường cơ sở.
Đôi khi, NĐT mắc phải những sai lầm như khi họ nắm bắt được một chiến lược giao dịch mới mẻ nào đó, tâm lí sẽ sản sinh mong muốn áp dụng chúng ngay vào thực tế. Điều này có thể thú vị thời gian đầu, nhưng cũng tiềm tàng nhiều khả năng đáng sợ. Điều này khiến bản thân NĐT trading nhiều hơn, và đôi lúc chúng ta cũng tự hỏi, tại sao lại có đến 90% người thất bại trong thị trường chứng khoán.
Sẽ là lý tưởng nếu chúng ta có thể tách bản thân ra khỏi cảm xúc. Nhưng không may là điều này không thể và thực ra chỉ có 1 số ít trong các cảm xúc của chúng ta có thể thực sự hữu dụng trong giao dịch. Cách tốt nhất là bạn phải học cách để hiểu bản thân như là một nhà giao dịch. Xác định điểm mạnh, điểm yếu của mình và sử dụng một kiểu giao dịch được cho là tốt nhất đối với bạn.
Quá tự tin và tham vọng làm giàu nhanh chóng
Tham vọng trở nên giàu có thường biểu hiện theo nhiều cách. Tuy nhiên, dễ nhận biết nhất đó chính là cảm xúc sợ hãi và tham lam, và tất nhiên hai cảm xúc này sẽ đưa đẩy chúng ta đi đến những bến bờ không tốt đẹp. Suy cho cùng thì những cảm xúc này bắt nguồn từ tham vọng làm giàu nhanh chóng, và những NĐT kiểu này thường có những biểu hiện: Over trading (trading quá nhiều) - Rủi ro quá mức (quản lý vốn không tốt).
Bản chất về lâu về dài của đầu tư chứng khoán không giúp ta trở nên giàu có một cách nhanh chóng mà nó rất dễ làm điều ngược lại. Chúng ta thường mất một vài năm trời trước khi có thể đầu tư thật tốt. Hãy xem đầu tư như một nghề thật sự của mình, và trong dài hạn, nếu có thể thành công với nó, đầu tư chứng khoán sẽ cho ta một cuộc sống vô cùng thoải mái.
Hãy luôn nhớ rằng đầu tư chứng khoán là một môn khoa học trí tuệ, không phải một cách làm giàu thần tốc, nếu bạn thật sự muốn phất lên một cách nhanh chóng bạn nên thử tới casino hay chơi xổ số.
Cách tốt nhất để vượt qua khuynh hướng tự tin thái quá là tự thiết lập cho mình những quy tắc quản lý rủi ro một cách nghiêm khắc. NĐT cá nhân nên tự đặt ra những câu hỏi này trước mỗi cuộc chơi: "Một lần có thể vào bao nhiêu giao dịch, có thể chịu lỗ tối đa một giao dịch bao nhiêu tiền, tài khoản có thể chịu tổn thất bao nhiêu trước khi bạn đóng hết trạng thái và đánh giá lại chiến lược đầu tư của bản thân mình…". Bằng cách giới hạn số lần giao dịch bạn có thể thực hiện và khoản tiền thua lỗ bạn có thể chịu, bạn có thể loại bỏ được rủi ro gần như hoàn toàn ra khỏi danh mục đầu tư của bạn.
Sợ hãi mất lãi hoặc mất tiền một cách quá đà khiến không giữ được cổ phiếu tốt
Chúng ta thường nghĩ rằng NĐT thành công có nghĩa là thắng nhiều trận và kiếm được nhiều lợi nhuận mang lại. Như vậy ngược lại nếu mất tiền, có nghĩa là ta đang thất bại. Điều này dẫn đến đa số suy nghĩ sợ hãi mất lãi hoặc mất tiền một cách quá đà. Trên thực tế, ở góc độ nào đó, bất cứ một thiên tài chứng khoán dù thành công đến mấy cũng sẽ đôi ba lần vấp ngã trên thị trường, điều này dạy cho họ một số bài học quan trọng.
Trong thực tế, nếu bạn nghĩ đến việc mất tiền quá nhiều sẽ khiến bạn đưa ra những quyết định đầy cảm xúc, khi ấy bạn rất dễ dàng bị thị trường dẫn dắt. Vì vậy hãy tập dần khả năng đối mặt với cảm xúc sợ hãi và lo lắng, nó không giúp ích gì cho công việc đầu tư của bạn cả. Thị trường sẽ không bao giờ hoàn toàn đi theo hướng dự đoán, nếu vấp ngã - hãy mạnh mẽ đứng dậy và học hỏi từ những thất bại đó, bạn sẽ dần có những lần "ra - vào lệnh" tốt hơn.
Thiếu tính kỷ luật
Thiên tài đầu tư Jesse Lauriston Livermore đã từng nhận định: "Một nhà đầu tư thiếu kỷ luật sẽ không bao giờ có thể thành công trên thị trường chứng khoán". Đầu tiên có thể nêu ra đó là hay thay đổi. Những nhà đầu tư thuộc kiểu này thường rất hay nghe ngóng và đi thay đổi phương pháp giao dịch của họ. Họ không nhận ra rằng để sử dụng hiệu quả một hệ thống giao dịch cần phải có thời gian. Nếu bản thân NĐT không bám sát một hệ thống hay phương pháp giao dịch đủ lâu, thử nó một vài tuần thấy ổn, rồi khi nó hoạt động không tốt ở một điều kiện thị trường nào đó là họ lại đi tìm một phương pháp mới và rồi cứ thế luẩn quẩn trong cái vòng tròn mà chính bản thân tự tạo ra.
Hãy nhớ rằng không có một phương pháp giao dịch nào hoạt động hiệu quả trên tất cả các điều kiện thị trường. Việc của ta là hãy kiên trì theo đuổi phương pháp mà bản thân lựa chọn một cách kỷ luật, nhận ra những điều kiện thị trường nào mà khi đó phương pháp giao dịch hoạt động không hiệu quả để hạn chế và đưa ra biện pháp khắc phục. Đừng nghe ngóng và tin theo bất cứ ai, hãy cứ " Follow your systems", đi theo phương pháp đầu tư của bản thân, ghi chép và đúc kết lại bài học sau mỗi giao dịch "Ta lãi vì sao, ta mất vì nguyên do gì…" rồi từ đó đúc kết và rút kinh nghiệm cho những lần giao dịch sau.