Cổ đông nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện quyền “ông chủ” với doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp có nhiều quy định, tương đối đầy đủ về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông, cơ quan ra quyết định cao nhất của doanh nghiệp. Từ Điều 96 đến Điều 107, Luật Doanh nghiệp đã quy định về thẩm quyền tổ chức Đại hội, điều kiện tổ chức Đại hội, chốt danh sách cổ đông, gửi giấy mời, chương trình họp, thông qua quyết định… Nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các quy định này khiến cổ đông bức xúc.
Ví dụ như việc gửi tài liệu, giấy mời cho cổ đông, luật pháp quy định tài liệu thảo luận về nội dung sẽ được thông qua tại cuộc họp sẽ phải được gửi cho cổ đông chậm nhất 7 ngày làm việc trước khi họp kèm theo thông báo mời họp. Phản ánh của cổ đông cho thấy, không phải lúc nào cổ đông cũng nhận được các tài liệu này. Nhiều công ty thường không gửi tài liệu cho cổ đông, chỉ khi đến đại hội, cổ đông mới được phát các tài liệu, báo cáo. Điều này làm khó cổ đông, bởi họ không có thời gian nghiên cứu tài liệu, xem xét liệu hoạt động của công ty trong năm qua có vấn đề gì.
Có cổ đông đã phản ánh vấn đề này ngay tại đại hội và yêu cầu công ty gửi đầy đủ tài liệu, nhưng thường nhận được câu trả lời là đề nghị cổ đông lên website xem, công ty không gửi tài liệu để đỡ tốn kém chi phí in ấn… Song thực tế, website của công ty lại đăng tải thiếu, không tải xuống được hoặc chậm các tài liệu đại hội.
Một số trường hợp, thậm chí cổ đông còn không nhận được giấy mời, tài liệu, lý do thường thấy là do sai địa chỉ. Theo ghi nhận ĐTCK, từng có trường hợp cổ đông không nhận được giấy mời của công ty, khi phản ánh lại thì công ty khăng khăng đã gửi, gửi bảo đảm đến địa chỉ thường trú của cổ đông, có chữ ký xác nhận của cổ đông. Khi được xem chữ ký xác nhận thì cổ đông phát hiện ra đó không phải là chữ ký của mình. Dẫu vậy, công ty không giải quyết và cho rằng đã làm đủ trách nhiệm. Cổ đông phải tự tìm đến đơn vị chuyển phát và “dọa” khiếu nại thì 2 ngày sau, đột nhiên công ty chuyển phát thông báo là thư gửi của cổ đông, trước đây do sơ xuất đã bị thất lạc, này đã tìm lại được (!?) Lúc này, thời hạn trên giấy mời đã qua và cổ đông đành ngậm ngùi chấp nhận.
Hay như việc dự đại hội, nhiều công ty bắt cổ đông phải đăng ký tham dự trước đó một số ngày, trong khi Luật Doanh nghiệp không hề quy định điều này. Có trường hợp cổ đông không đăng ký trước, công ty không cho vào dự.
Một vấn đề khác khiến cổ đông bức xúc là tại nhiều đại hội đồng cổ đông, ban tổ chức kéo dài thời gian văn nghệ, thời gian đọc báo cáo, cố tình họp muộn để rút ngắn phần thảo luận, hoặc đẩy thời gian thảo luận sang buổi chiều khiến nhiều cổ đông mệt mỏi bỏ về… Thế nhưng, ngay cả khi kiên trì chờ đợi để được hỏi, câu trả lời của công ty không đi vào trọng tâm câu hỏi mà hay né tránh. Đơn cử như tại đại hội đồng cổ đông của Vinexad (sàn UPCoM, mã VNX), tờ trình của HĐQT thể hiện Công ty đã tham khảo một số trung tâm bất động sản để từ đó đưa ra mức giá bán khởi điểm cho trụ sở số 9 Đinh Lễ, sát hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Cổ đông yêu cầu Chủ tịch HĐQT cho biết Công ty đã tham khảo trung tâm nào, đề nghị nêu tên nhưng cũng không được trả lời cụ thể.
Thậm chí, có doanh nghiệp khi bị cổ đông chất vấn gay gắt về mức lợi nhuận, cổ tức còn thấp, chưa xứng với tiềm năng, ban lãnh đạo đã trả lời rằng, công ty có thể trả cổ tức tối đa là 25%, nhưng như vậy, cán bộ công nhân viên sẽ bị cắt thưởng Tết, chế độ nghỉ mát và rằng “cổ đông cũng không nên ăn hết của cán bộ công nhân viên”...
Sự nặng lời này của lãnh đạo doanh nghiệp đã khiến cổ đông ức chế, bởi thực sự không ai đòi hỏi doanh nghiệp phải cắt các chế độ thưởng, nghỉ mát của nhân viên, mà chỉ cho rằng, Ban lãnh đạo trình độ yếu kém, đề nghị nâng cao trình độ để có thể quản lý kinh doanh tốt hơn, đem lại lợi nhuận xứng đáng với tiềm năng của Công ty..