Sau điện thoại, ô tô siêu sang thì đàn ông Việt đã tìm kiếm đến những chiếc đồng hồ sang trọng, đắt tiền được bảo đảm bởi các nhãn hiệu Thụy Sỹ với uy tín được tích lũy cả trăm năm. Không ít chiếc đồng hồ có giá bằng cả căn hộ hạng sang ở Vincom hay quy ra một chiếc Mercedes, BMW bóng bẩy.
Có người nói rằng mua một chiếc đồng hồ tiền tỉ như vậy thật chẳng khác nào chơi ngông lấy tiếng hay "thừa giấy vẽ voi". Nhà mua thì để ở, xe mua thì để đi những lúc nắng mưa còn không có đồng hồ thì chính điện thoại di động cũng dùng để xem giờ, hay mua một chiếc giá hơn chục triệu cũng là sang lắm rồi.
Tuy nhiên, nếu không phải người đam mê và trong cuộc thì ai cũng coi là điên khi bỏ cả một đống tiền để mua một chiếc đồng hồ Breguet (một hãng đồng hồ Thụy Sỹ có tuổi đời hơn 250 năm với khách hàng toàn là những ông hoàng bà chúa ở châu Âu) ngày ngày đem ra ngắm nhìn không biết chán rồi lại cất đi.
Nói về chuyện chơi đồng hồ thì phải bắt đầu từ việc kinh tế Việt Nam đi lên bắt đầu từ 10 năm về trước. Lúc đó đồng hồ cũng giống như xe máy, Honda là hạng nhất thì Rolex và Omega (giá một chiếc đồng hồ này đắt tương tương một chiếc Sh đời mới) cũng được coi là niềm mơ ước số một của người Việt. Sau đó là Longines, Tissot, Candino với giá phải chăng hơn mặc dù vẫn là cao so với thu nhập của người Việt lúc đó khi lên tới cả ngàn USD.
Một chiếc A.Lange Sohne tiền tỉ của người Việt.
Đồng hồ Nhật cũng được ưa chuộng bởi chất lượng, giá phù hợp với túi tiền và nhiều mẫu mã để chọn cũng được người Việt yêu thích như Seiko, Orient, Citizen....
Còn độ hai, ba năm trở lại đây thì ở Việt Nam đã xuất hiện không ít những chiếc đồng hồ trị giá đến 100-200 ngàn USD và vô số chiếc có giá dưới 100 ngàn USD. Bây giờ sự lựa chọn của giới chơi đồng hồ không chỉ là Rolex và Omega nữa mà còn nâng lên một tầm cao hơn khi hình ảnh về những chiếc đồng hồ hiệu A.Lange & Sohne, Patek Philippe, Breguet, Audemars Piguet, Vacheron Constatin, Speake-Marin, Ulysse Nardin, Hublot, Blacnpain...
Trên một diễn đàn đồng hồ, thậm chí có thành viên sở hữu ba chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe, Audemars Piguet và Vacheron Constantin trị giá lên đến vài tỉ đồng. Ngoài ra, còn có những chiếc khác cũng độc và giá cũng đế vương không kém như A.Lange & Sohne, Jaeger-LeCoultre.
Sở dĩ những chiếc đồng hồ này có giá trên trời như thế, bởi đó là tinh hoa, sáng tạo và phức tạp vô cùng của một nền chế tác máy đo thời gian đã có từ hàng trăm năm nay. Ferrari với tuổi đời chưa đến 100 năm mà bán ra những chiếc xe trị giá 1,5 triệu USD. Vertu cũng vậy, chỉ là một hãng điện thoại trẻ trung mà chào mời khách hàng một chiếc điện thoại rẻ nhất cũng tới vài ngàn USD. Vậy thì những người không đam mê đồng hồ cũng đừng ngạc nhiên khi tồn tại những chiếc có giá cả triệu USD như thế.
Tour de l’Ile trị giá 1,5 triệu USD của Vacheron Constantin
Kỳ công và xa xỉ là vậy nhưng người mua đồng hồ cũng chia thành hai bên: Một là ưa tính phô trương đập thẳng vào mắt đối tác như Rolex, hay ngấm ngầm khẳng định đẳng cấp bằng một chiếc Patek Philippe dây da tinh tế hơn. Có người cho rằng, Rolex tuy đắt tiền nhưng lại mang hình thức là một chiếc đồng hồ đính đầy kim cương và đúc bằng vàng giống một món trang sức hơn là đồng hồ mặc dù mỗi chiếc Rolex đến tay khách hàng phải trải 200 lần kiểm tra.
Tuy vậy, người Việt có tiền muốn mua đồng hồ để chứng minh đẳng cấp mà sự am tường lại không cao thì đa phần lại chọn mua Rolex, vì đây là một thương hiệu rất dễ nhận biết và là biểu tượng cho sự thành đạt cùng với xe hơi Rolls-Royce. Tuy nhiên, một ai đấy mua được Rolex thì không phải là sẽ mua được những chiếc đồng hồ khác.
Nửa còn lại thì luôn tôn thờ những cái tên lẫy lừng trong làng sản xuất đồng hồ dựa trên kĩ thuật và sự phức tạp khi chế tạo như Breguet, Vacheron Constantin thì lại chẳng có mấy ai sở hữu vì giá một chiếc đồng hồ loại này đắt hơn Rolex vài lần nên việc chỉ thấy ai đó đăng hình chia sẻ với các anh em cũng đã là niềm vui vô bờ bến.
Ngoài ra trong mắt giới chơi đồng hồ thì đồng hồ của Đức cũng được đánh giá cao như Laco, Stowa, Junghans, Nomos... Một điều đáng lưu ý là giới thanh niên thì lại ưa chuộng những chiếc đồng hồ mang nhãn hiệu của các hãng thời trang như Gucci, Armani, Chanel hay các loại Rolex, Omega fake (hàng giả)... thì đều là loại đồng hồ kém chất lượng mà giới chơi không bao giờ đụng tới.
Bản thân những chiếc đồng hồ này chỉ mang tên một thương hiệu, nhưng được lắp ráp tại Trung Quốc với giá thành rất rẻ cùng một chất lượng "made in China", thế nhưng với giá cả phải chăng, chỉ trên dưới 1-2 triệu khi với hơn 5 triệu cho một chiếc đồng hồ chất lượng thì đã đánh vào tâm lý thích thương hiệu mà lại rẻ tiền của người trẻ.