Lướt mạng trong thời gian cách ly xã hội, Jessica Friend, 30 tuổi, tại Ohio, thấy một chiếc kính râm Ray-Ban mà cô thích. Tuy nhiên, giá của nó khiến cô đắn đo. Cuối cùng, điều thuyết phục cô mua là chương trình trả góp của Afterpay. Theo đó, Jessica sẽ trả 260 USD cho chiếc kính theo 4 lần không lãi suất.
Afterpay là một trong số các công ty chuyên cho khách hàng vay trả góp cho để mua hàng qua mạng. Thu nhập của công ty đến từ hoa hồng 4-6% từ đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Các công ty cho vay trả góp dạng này tại Mỹ đang hưởng lợi bởi xu hướng mua sắm trực tuyến trong mua dịch, nhờ tiền cứu trợ của chính phủ thúc đẩy doanh số bán lẻ. "Tôi có xu hướng dùng các dịch vụ này vì dễ dàng sở hữu được sản phẩm mình muốn ngay lập tức", cô Friend nói về các khoản vay.
Trong thời gian đại dịch diễn ra, mua sắm trực tuyến tại Mỹ đã tăng tốc và nhiều người chọn cách trả góp hơn. Afterpay có hơn một triệu khách hàng mới ở Mỹ giai đoạn từ tháng 3 đến đầu tháng 5, nâng tổng số hiện có là 9 triệu khách hàng.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ cũng mong muốn đẩy được hàng nhanh nên dễ chấp nhận thiết lập quan hệ đối tác với các công ty cho vay mua hàng trả góp. Klarna, startup fintech lớn nhất châu Âu, cho biết kể từ tháng 3, các đề nghị hợp tác từ những nhà bán lẻ đã tăng trung bình 20% trên toàn cầu. Sau khi ký hợp tác với The North Face, Disney và Sephora, Klarna đã có 7,9 triệu khách hàng ở Mỹ.
Puneet Dikshit, chuyện gia McKinsey cho biết phần lớn tăng trưởng của các công ty này đến từ các khoản chi tiêu cho thời trang và dụng cụ thể dục. Ông dự đoán ngành này sẽ kiếm được 7-8 tỷ USD trong năm nay tại Mỹ, tăng 150%.
Nhưng người dân đổ xô mua trả góp hơn cũng có thể làm tăng các khoản nợ xấu. Trong đó, khả năng vỡ nợ cao thuộc nhóm những người lần đầu tiên tiếp cận dịch vụ. Vì vậy, đại dịch buộc hầu hết công ty phải siết chặt các thiết lập rủi ro, gia tăng các điều kiện từ chối cho vay. Afterpay, Klarna, Zip không chia sẻ cụ thể số khách hàng bị từ chối.
"Các công ty có thể giảm cho vay và nhanh chóng giảm tốc tăng trưởng nếu rủi ro nợ tăng lên", ông Mitchell nhận xét. Tháng 3, nợ xấu của Afterpay chiếm 1%. Nhà đồng sáng lập Nick Molnar cho biết tỷ lệ khách bị từ chối cho vay tương đương với đầu năm. Công ty hiện đã thay đổi chính sách, yêu cầu khách hàng phải trả trước một phần tư số tiền vay.
Mặc dù các chuyên gia môi giới kỳ vọng Afterpay sẽ có lãi vào năm 2022 nhưng việc tăng chi phí dự phòng rủi ro đang ăn mòn vào lợi nhuận của công ty. Điều này nghĩa là họ có biên lợi nhuận mỏng và sẽ còn chưa có lãi một thời gian. Klarna cũng ghi nhận các tổn thất tín dụng cao hơn gấp đôi trong 3 tháng đầu năm, chiếm 0,7% doanh thu cơ bản khi mở rộng hoạt động ở châu Âu và Mỹ.
Các công ty, nhà đầu tư và nhà phân tích đồng ý rằng những người trẻ tuổi là động lực của ngành cho vay trả góp. Đó là những người dưới 35 tuổi, tìm đến đơn vị này để sắm đồ gia dụng, các sản phẩm chăm sóc da và quần áo.
"Đa số khách hàng của chúng tôi có thu nhập dưới 75.000 USD mỗi năm", Charlie Youakim, CEO công ty vay tiêu dùng Sezzle cho biết. Tuy nhiên, nhân khẩu học trẻ khiến các công ty khó đánh giá rủi ro hơn vì thiếu lịch sử tín dụng. Hầu hết công ty sử dụng thuật toán để chạy kiểm tra điều kiện cho vay theo thời gian thực và đánh giá rủi ro vỡ nợ.
Công cụ nội bộ của chúng tôi đánh giá rủi ro khi xem xét các thông số khác nhau, bao gồm cả lịch sử thanh toán của khách hàng, những gì đang được mua, được kết hợp với các nguồn dữ liệu và giải pháp xác thực của bên thứ ba, theo Aoife Houlihan, người phát ngôn của Klarna.