Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng. Khi đó, thu nhập của nhiều người lao động giảm, thậm chí có người mất việc.
Điều này ảnh hưởng gián tiếp đến những khách hàng cá nhân vay tiêu dùng mua nhà, mua xe trả góp.
Khó khăn để trả góp mua nhà
Vợ chồng anh Hải, chị Lan sau nhiều năm tiết kiệm đã mua được một căn chung cư trên đường Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Căn hộ có giá xấp xỉ 2 tỷ đồng , trong khi số tiền gia đình có chỉ 1 tỷ đồng , nên phải vay trả góp ngân hàng số tiền còn lại. Thời gian trả là 15 năm.
Anh Hải làm kỹ sư công nghệ thông tin cho một doanh nghiệp ở Cầu Giấy, còn chị Lan làm nhân viên một khách sạn tư nhân ở quận Hoàn Kiếm. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng là khoảng 30 triệu mỗi tháng. Số tiền trả góp ngân hàng năm thứ hai là khoảng 14 triệu đồng mỗi tháng. Gia đình cố găng xoay xở ăn tiêu bằng số tiền còn lại.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công việc của chị Lan dần khó khăn. Các khách sạn ở quận Hoàn Kiếm rơi vào tình trạng vắng khách, rồi đóng cửa. Hiện chị Lan được cho nghỉ không lương bởi khách sạn tạm đóng cửa. Khoản thu nhập 2 vợ chồng dự kiến chi trả nợ hàng tháng nay chỉ tương đương mức lương của người chồng là 17 triệu đồng. Như vậy, nếu thanh toán khoản trả góp hàng tháng, số tiền còn lại để chi tiêu cho cả gia đình chỉ còn 3 triệu đồng.
Tuy vậy, vợ chồng vẫn còn một khoản thưởng từ trước Tết Nguyên đán, nên có thể duy trì trả nợ trong gần 2 tháng. “Nếu dịch kéo dài, đến tháng 4 chúng tôi sẽ không biết lấy tiền đầu trả nợ định kỳ hàng tháng”, chị Lan chia sẻ.
Anh Hải, chị Lan là một trong rất nhiều người mua nhà đang lao đao về việc trả nợ ngân hàng khi thu nhập bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Trên nhiều diễn đàn, nhiều nhóm cư dân mua nhà đang kêu gọi ngân hàng cùng các chủ đầu tư giãn nợ, khoanh nợ cho người mua nhà.
Tại một dự án chung cư tại quận Nam Từ Liêm, người mua nhà còn chưa nhận bàn giao, nhưng đã viết đơn kêu gọi chủ đầu tư và ngân hàng hỗ trợ khách mua trong giai đoạn dịch, thu nhập bị ảnh hưởng, dẫn đến khó khăn trả nợ.
Trả góp mua xe cũng gặp khó vì dịch
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với những người mua xe trả góp. Nguyễn Xuân Tuấn, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải Công nghệ Hà Nội, cho biết nhiều tài xế mua xe trả góp để chạy taxi công nghệ đang lao đao vì dịch.
Theo ông Tuấn, tại các hợp tác xã vận tải xe công nghệ ở Hà Nội, có khoảng 50-80% tài xế vay vốn ngân hàng để mua xe chạy. Trung bình, mỗi tài xế vay khoảng 300 triệu đồng, trả góp trong 48 tháng.
Trước khi dịch xảy ra, thu nhập bình quân của một tài xế là khoảng 20 triệu đồng/tháng. “Số thu nhập này đủ trả ngân hàng 8 triệu, chi tiêu cá nhân dọc đường 5 triệu, còn lại 7 triệu chi tiêu gia đình”, ông Tuấn nói.
Nhiều người mua xe trả góp cũng đang gặp khó khăn trả nợ trong giai đoạn dịch Covid-19. Ảnh: Việt Hùng.
Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, thu nhập của tài xế giảm trung bình khoảng 50%, từ đó kéo theo thu nhập giảm một nửa. Với khoản thu nhập 10 triệu đồng/tháng mùa dịch, phải trả ngân hàng khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng, nhiều tài xế đang rơi vào cảnh khó khăn.
“Chúng tôi đề xuất các ngân hàng giãn nợ, cơ cấu nợ lại cho tài xế. Thứ hai, tài xế đang phải nộp thuế VAT và thuế thu nhập kinh doanh phương tiện vận tải, không được khấu trừ thuế theo luật. Chúng tôi cũng đề nghị được khấu trừ thuế trong hoàn cảnh này”, ông Tuấn nói.
Ngân hàng cần chia sẻ khó khăn với khách hàng
Nhiều khách hàng cá nhân vay tiêu dùng mua nhà, mua xe đang gặp khó khăn vì dịch Covid019 nhưng các ngân hàng hiện chưa có nhiều động thái hỗ trợ. Theo khảo sát, hầu hết ngân hàng thương mại đang có kế hoạch giãn nợ, giảm lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp là chủ yếu.
Một số ngân hàng khác đang có chính sách ưu đãi cho khách hàng cá nhân, nhưng lại dành cho khách hàng mới. Nhiều ngân hàng đang đưa ra mức lãi suất ưu đãi, giảm 2%/năm cho khách hàng cá nhân mới.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc đưa ra mức ưu đãi cho khách hàng mới là không hiệu quả, do ảnh hưởng của dịch nên người có nhu cầu vay tiêu dùng sẽ giảm mạnh. Các ngân hàng cần tập trung vào việc giãn nợ, cơ cấu, thay đổi thời gian kỳ hạn, cũng có thể khoanh nợ, chuyển nhóm nợ.
“Nhiều người lao động bị tạm nghỉ, mất việc, giảm thu nhập thì tín dụng cho tiêu dùng cũng phải được hưởng chế độ như doanh nghiệp. Người mua nhà, mua xe phải được khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất trong dịch Covid-19”, ông Hiếu nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng các ngân hàng cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho người trả góp mua nhà, mua xe. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển cho rằng việc giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân không chỉ có ý nghĩa với người tiêu dùng, mà còn với chính các ngân hàng và cả nền kinh tế. |
Theo ông Hiển, dịch Covid-19 khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng, kéo theo thu nhập của người lao động giảm xuống, thậm chí một số người bị thất nghiệp. Do đó, kế hoạch trả nợ của đối tượng này bị ảnh hưởng. Nếu các ngân hàng cứ áp dụng duy trì mức trả nợ, nhiều khách hàng cá nhân sẽ rơi vào cảnh nợ xấu, hoặc hạn chế tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế phân tích người vay tiền giảm thu nhập trong khi vẫn phải đảm bảo trả một khoản nợ nhất định, nghĩa là sẽ phải hạn chế chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn. Khi đó, nền kinh tế sẽ hạn chế tiêu dùng, khiến các doanh nghiệp khó bán được hàng, sản xuất lại đình trệ, dễ dẫn đến suy thoái. Khi đó, lượng thất nghiệp lại có thể gia tăng.
“Đó là một vòng luẩn quẩn rất có thể xảy ra”, ông Hiển phân tích.
Ngược lại, khi được khoanh nợ, giãn nợ, thu nhập sẽ dành cho tiêu dùng nhiều hơn, kích thích nguồn cầu, làm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Vị TS kinh tế cũng cho rằng có thể xảy ra tình trạng gia tăng nợ xấu. Như vậy, các ngân hàng có thể siết nợ với các khoản vay, nhưng về lâu về dài có thể làm gia tăng nợ xấu, và chính các ngân hàng lại phải giải quyết như từng xảy ra.
Tuy nhiên, ông Hiển nhấn mạnh đây chính là lúc ngân hàng và khách hàng cần chia sẻ khó khăn cho nhau. Nhà nước có chính sách hỗ trợ người vay tiêu dùng cũng là hỗ trợ những người tiêu dùng cuối cùng, kích cầu, giúp tăng trưởng kinh tế.