Phiên chợ đồ cũ họp vào mỗi dịp cuối tuần tại khuôn viên quán cà phê Cao Minh, cạnh cầu Băng Ky, đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TP HCM.
Phiên chợ này bắt đầu hoạt động từ năm 2009, trong khuôn viên quán chừng 50 m2 với hàng chục gian hàng, bày đủ thứ đồ dùng đã ngả màu thời gian. Mỗi gian hàng vỏn vẹn là một, hai chiếc bàn nhỏ, bày những món đồ mà chủ hàng sưu tầm được. Từ những chiếc đèn dầu, chiếc quạt con cóc, những tờ tiền giấy cũ, kính mắt, ấm chén, đồ đựng trầu, đồng hồ đến những chiếc thìa nhôm Liên Xô, cái chân bàn cũ hay chai bi-đông đựng nước...
Anh Trần Dũng, người sáng lập ra chợ này, cho biết: "Là người đam mê chơi đồ cũ nên tôi hiểu có những đồ vật đối với người này không có giá trị nhưng với người khác lại vô giá. Nếu vứt đi thì lãng phí, tại sao lại không trao đổi với người muốn sở hữa nó".
Những món đồ có cái vài trăm ngàn nhưng cũng có món chỉ tính được bằng đô Mỹ. Như chiếc đồng hồ đeo tay Citizen cũ kỹ được bán với giá 100.000 đồng/chiếc nhưng chiếc đồng hồ Uply vào thập niên 1950 – 1960 giá 12 triệu đồng hoặc chiếc đồng hồ Omega mạ vàng có giá 300 – 400 USD/chiếc. Dân sành đồ cũ có thể chọn mua chiếc tẩu thuốc giá 500.000 đồng/cái, bộ hộp muỗng, nĩa giá 4.000 USD...
Khách hàng đến phiên chợ đặc biệt này đủ mọi lứa tuổi. Người trung niên đến với phiên chợ để tìm lại những ký ức trên những món đồ xưa cũ được bày bán, hay dân sành về đổ cổ đến để sưu tầm các món đồ và một số thanh niên tìm tới vì tò mò, thấy thú vị với những món đồ lạ lẫm.
Bác Hồng Sơn (ngụ quận 10) một người tới chợ thường xuyên chia sẻ: "Lúc trước nhà tôi cũng có sắm những đồ vật này nhưng qua thời gian nhiều lần chuyển nhà, bị thất lạc hết. Nay gia đình ổn định tôi tìm những món đồ cũ để gợi lại kỷ niệm trước. Thế nhưng, nhưng món đồ này cũng không hề rẻ, cũng có món đồ không thể mua được vì chủ nhân của nó chỉ mang ra trưng bày".
Còn anh Minh Tuấn, một người bán hàng tại phiên chợ cho biết phần lớn những người bán hàng tại phiên chợ đều là những sành sỏi về đồ cũ. Họ mang những đồ vật trong kho sưu tầm của mình tới, vừa buôn bán, vừa gặp gỡ làm quen và trao đổi kinh nghiệm. "Không phải ai đi chợ cũng mang về vài món đồ, người có, người không, bởi phải tìm được món đồ ưng ý, hợp giá tiền nữa" - anh Tuấn nói.
Phiên chợ tấp nập khách hỏi mua và mặc cả nhưng không hề có sự to tiếng, cãi vã. Chủ hàng tận tình, thoải mái trao đổi, giải thích cho khách về xuất xứ, chất lượng của những món đồ.
Bên cạnh việc trao đổi buôn bán, mỗi phiên chợ đều có những buổi đấu giá. Sản phẩm đấu giá là những món đồ xưa được các chủ cửa hàng trao tặng.
Sự tin tưởng nhau chính là quy tắc bất thành văn tại đây, nếu người bán cố tình nói sai thông tin về món đồ để bán được giá hơn sẽ bị cấm không cho mang đồ vào Sài Gòn ve chai nữa. Khách nếu mua nhầm một món đồ có giá trị không xứng với số tiền cũng sẽ được chuyên gia thẩm định và đổi lại ngay.
Phiên chợ còn có hẳn một trang web www.saigonvechai.com để những người quan tâm có thể mua bán và trao đổi, với hơn 5.000 thành viên tham gia.