Nhiều hộ kinh doanh tại đây cũng không nhớ chính xác năm nào bắt đầu buôn bán thuốc Bắc, chỉ biết rằng cuối thế kỷ 19 người Hoa tại khu Chợ Lớn đã lập ra các kho chứa hàng hóa đươc vận chuyển từ kênh Tẻ lên bờ.
Những năm đầu người Hoa sinh sống, khu vực này làm nơi chứa hàng dược liệu đông y. Sau đó, xây dựng thành một khu phố ở ngã tư Hải Thượng Lãn Ông – Triệu Quang Phục – Phùng Hưng với 16 nhà, kiểu đặc trưng của người Hoa để phát triển thành trung tâm thương mại thuốc Bắc.
Hiện nay, tại đây vẫn còn khoảng 60-80 cửa hiệu kinh doanh loại thuốc Bắc các loại. Đa phần đều của những gia đình người Việt gốc Hoa.
Chỉ cần đến đây ta dễ dàng bắt gặp hàng chục bảng tên, bao tải đựng thuốc bày ra vỉa hè. Thợ bào chế thuốc làm việc ngay trước cửa hiệu, không ngừng thái nhỏ từng cây thảo mộc thành những lát thuốc. Mùi hương của cây đỗ trọng, táo đỏ, đinh lăng…. át của mùi khói xe xung quanh.
Các loại dược liệu được thu mua từ các tỉnh Long An, Bình Phước và khu vực miền Trung. Có những loại thuốc được nhập trực tiếp từ các tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc).
Ông Mai Thế Long, người kinh doanh thuốc hơn 50 năm cho biết rất nhiều hiệu thuốc từ các tỉnh miền Tây, khu vực Duyên hải Nam Trung bộ đều đổ về lấy lấy hàng. Riêng hiệu thuốc của ông Long mỗi ngày bán sỉ và lẻ gần 1 tấn dược liệu.
Tháng 7-2010, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP HCM đã công nhận khu Hải Thượng Lãn Ông là khu phố cổ nhất của TP do nơi đây vẫn còn bảo tồn được nhiều ngôi nhà có kiến trúc cổ cũng như nét sinh hoạt từ thời xưa cũ của người Hoa.