Người tiêu dùng mỗi vùng thường có thói quen mua sắm khác nhau nên người kinh doanh cần có kế hoạch phù hợp. Chẳng hạn khu vực miền Nam, việc mua sắm Tết sẽ ngắn, do đó, người bán chỉ cần trữ hàng trước Tết khoảng 1 tháng; còn tại khu vực miền Bắc, miền Trung cần trữ hàng trước Tết khoảng 2 tháng... Đó là thông tin tại hội thảo “Mùa mua sắm cuối năm - giải pháp tăng doanh số bán hàng xuất khẩu và nội địa”, do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp vừa tổ chức cuối tuần qua.
Dành thời gian mua sắm ít hơn
Các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng trước đây, việc mua sắm đối với người tiêu dùng không chỉ là đến chợ, siêu thị để mua sản phẩm mà còn dành thời gian khá dài để giải trí, vui chơi, khám phá. Tuy nhiên, gần đây, việc mua sắm của đa số người tiêu dùng đã có sự thay đổi rõ rệt, họ dành thời gian cho việc mua sắm ít đi, không còn đặt nặng việc mua sắm là thú vui như trước đây.
Do người tiêu dùng dành ít thời gian cho mua sắm nên việc chọn mua cái gì đã được lên kế hoạch. Do đó, họ chỉ cần đến những điểm tạp hóa, cửa hàng tiện lợi là tìm được sản phẩm họ cần mua. Không như trước đây phải tìm đến siêu thị, trung tâm thương mại, đại siêu thị để mua sắm mất rất nhiều thời gian. Do đó, cửa hàng ngày nay không chỉ là nơi bán hàng thuần túy mà phải nâng cấp, đáp ứng nhu cầu cần thiết về các yếu tố dịch vụ đi kèm, tạo sự hài lòng cho khách hàng. Tại nhiều nước trên thế giới, tỉ trọng cửa hàng nhỏ cũng ngày càng nhiều hơn. Đây là xu hướng chung của thế giới.
Giới chuyên môn còn phân tích khách hàng chọn mua sản phẩm không còn đặt giá cả là yếu tố tiên quyết mà họ quan tâm nhất là chất lượng sản phẩm, độ tươi sống, sản xuất có an toàn không, thành phần tự nhiên trong sản phẩm... Yếu tố sức khỏe được đặt lên hàng đầu. Kế đến là yếu tố dịch vụ về cung cách phục vụ, tư vấn, hậu mãi, chăm sóc khách hàng như thế nào. Nhà sản xuất, nhà bán lẻ làm thế nào để tạo sự hài lòng của khách hàng.
Tìm cách đưa hàng ra nước ngoài
Vấn đề tăng tốc hàng hóa ra nước ngoài để đón đầu mua sắm cuối năm của các nước trong khu vực cũng được các doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh - Bidrico, cho biết cần phải tìm hiểu kỹ thị trường một số nước trong khu vực vì không nơi nào giống nơi nào. Chẳng hạn tại thị trường Việt Nam, Campuchia, Bidrico phải đi từ thị trường nông thôn trước, sau đó mới xâm nhập thị trường thành thị. Còn ở một số nước trong khu vực, không thể áp dụng chiến thuật như trong nước mà phải tìm hiểu để có chiến lược phù hợp.
Theo ông Hiến, tại thị trường Myanmar, từ năm 2011 đến 2013, Bidrico đã tham gia nhiều hội chợ tại nước này để khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác phù hợp. Và Bidrico đã chọn chiến lược xâm nhập thị trường thành thị trước, bằng cách đưa hàng vào các kênh siêu thị ở Myanmar. Từ đây mới đẩy hàng xâm nhập các kênh truyền thống. Ngoài ra, Bidrico khảo sát, điều tra thị trường tại các thành phố lớn ở nước này, tìm cho ra đối tượng người tiêu dùng của Bidrico; tìm nhiều đầu mối để làm việc và chọn đầu mối có khả năng nhất.
Còn theo ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Bích Chi, muốn tìm nhà phân phối ở nước ngoài thì phải tham gia hội chợ ở nước đó. Ngoài ra, còn phải tìm đến họ, mang sản phẩm trao tận tay người quản lý siêu thị, cung cấp giá cả, chất lượng, ưu điểm của sản phẩm; thậm chí mời họ sử dụng, hướng dẫn cách chế biến để có được quyết định cũng như góp ý kịp thời. Sản phẩm tiêu thụ ở đâu phải được chế biến hợp khẩu vị, phù hợp tập quán của vùng miền nơi đó, kể cả tôn giáo.
Nhiều người cho rằng Thái Lan đang đổ hàng sang thị trường Việt Nam ngày càng nhiều. Gần đây là việc người Thái thâu tóm cả kênh bán hàng Metro, Big C tại Việt Nam. Điều này làm cho doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, phải cạnh tranh vất vả... Tại sao doanh nghiệp trong nước chưa thể đẩy hàng mạnh sang thị trường Thái Lan? Nhiều doanh nghiệp cho rằng cần phải có vai trò của nhà nước. Còn theo giáo sư Philip Zerillo - Khoa MBA Đại học Quản trị Singapore - nhà hàng, chuỗi cà phê của Việt Nam đã phát triển tốt ở thị trường Thái Lan. Thái cần sản phẩm tốt, sản phẩm khác biệt. Vì vậy, sản phẩm chất lượng cao mới xâm nhập được vào thị trường này.