Hồng - Thức quà mùa thu và những lợi ích sức khỏe không thể bỏ qua
Quả hồng có nguồn gốc từ Hy Lạp, thường cho trái ngon ngọt vào mùa thu. Ở Việt Nam, cứ mỗi dịp rằm tháng 8, những trái hồng chín ngọt mát, đỏ dịu dàng bắt mắt như những đốm lửa lại được bày bán khắp mọi nơi. Ấy là khi mùa thu đã thực sự "chín", những cơn gió heo may về càng nhiều đón mùa đông sang. Quả hồng là một trong những loại trái cây màu cam rực rỡ, giống màu sắc của những trái cà chua, dâu tây…
Quả hồng có nguồn gốc từ Hy Lạp, thường cho trái ngon ngọt vào mùa thu.Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, quả hồng cũng như nhiều bộ phận khác của cây hồng đều được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh. "Trong Đông y, quả hồng có vị ngọt chát, tính bình, có tác dụng chữa tiêu chảy, trĩ, đái dầm, háo khát, ho có đờm và các chứng nôn mửa, lo nghĩ, phiền uất...", lương y Bùi Hồng Minh cho biết. Chưa hết, nhiều bộ phận khác của hồng cũng được sử dụng làm thuốc trong Đông y. Tai hồng (còn gọi là thị đế) có vị đắng chát, tính ấm, không mùi, chất cứng giòn chứa trong tai hồng là tanin. Vỏ, rễ thân cây hồng còn được dùng làm thuốc cầm máu… Những công dụng chữa bệnh của hồng từ lâu đã được ghi nhận.
Trong y học hiện đại cũng công nhận nhiều lợi ích sức khỏe của quả hồng nhờ nguồn dưỡng chất dồi dào. Hồng có hàm lượng vitamin và khoáng chất rất cao, cũng như một số hợp chất hữu cơ. Chúng bao gồm vitamin A, vitamin C, vitamin E và vitamin B6, cũng như chất xơ, mangan, đồng, magiê, kali và phốt pho. Các hợp chất hữu chiếm chủ yếu, bao gồm catechins, gallocatechins, betulinic acid và các hợp chất carotenoid khác nhau, nằm trong nhóm vitamin B.
Hồng có hàm lượng vitamin và khoáng chất rất cao, cũng như một số hợp chất hữu cơ.
Một trái hồng nặng khoảng 168 gram và chỉ cung cấp 31 gram carbohydrate, hầu như không có chất béo, do đó là một thực phẩm ăn vặt rất lý tưởng cho người muốn giảm cân . Hồng rất giàu chất phytochemicals, catechins và các chất chống oxy hoá polyphenolic. Catechin là chất chống viêm và chống nhiễm khuẩn mạnh mẽ. Vì vậy, nó có thể hỗ trợ trong việc ngăn chặn các phản ứng viêm không mong muốn và nhiễm trùng. Hồng có hàm lượng natri thấp, rất tốt cho bệnh nhân cao huyết áp. Hồng cũng chứa nguồn vitamin C phong phú, có thể giúp tăng cường mức độ miễn dịch. Do đó, nó hoạt động như một lá chắn chống cảm lạnh, cúm, cũng như các bệnh nhiễm trùng phổi khác, bao gồm hen suyễn…
Với những lợi ích trong Đông y lẫn Tây y, chúng ta đừng vội bỏ qua những công dụng chữa bệnh của hồng. Dưới đây là một số bài thuốc từ quả hồng được chuyên gia đưa ra:
Những bài thuốc chữa bệnh từ quả hồng
- Chữa bệnh tiêu chảy: Hồng xanh giã nát, cho chút nước sôi để nguội, sau đó gạn lấy nước này uống sẽ giúp chữa bệnh tiêu chảy vô cùng hiệu quả.
- Chữa đái dầm: 10-15 tai hồng đem thái nhỏ, phơi khô sắc với 200ml nước, còn lại 50ml đem uống trước khi đi ngủ để chữa chứng đái dầm ở trẻ em cũng như người lớn.
- Chống viêm, nhiễm trùng: Ăn hồng chín đều đặn hàng ngày. Quả hồng chứa một lượng khá lớn chất catechin và polyphenol có khả năng chống viêm rất tốt, do đó ăn đều đặn sẽ giúp chống nhiễm trùng.
- Bệnh nhân tăng huyết áp: Hồng tươi đem ép lấy nước, hòa với sữa hoặc nước cơm rồi uống ngày 3 lần, mỗi lần nửa chén. Bài thuốc này còn có tác dụng phòng tai biến mạch máu não do tăng huyết áp.
Mặc dù công dụng chữa bệnh của hồng có vô vàn nhưng không phải ai ăn loại quả này càng nhiều thì càng tốt cho sức khỏe.
- Trĩ nội, đại tiện xuất huyết: Lấy quả hồng khô 12g, sắc uống hoặc nấu cháo ăn ngày 2 lần.
- Chữa nấc: Tai hồng sao vàng, tán bột, uống với rượu. Hoặc dùng tai hồng 100g, đinh hương 8g, gừng tươi 5 lát. Hợp lại sắc uống, chia làm nhiều lần trong ngày.
Mặc dù công dụng chữa bệnh của hồng có vô vàn nhưng không phải ai ăn loại quả này càng nhiều thì càng tốt cho sức khỏe. Theo lương y Bùi Hồng Minh, khi ăn hồng không nên kết hợp với thực phẩm tanh vì đồ tanh như cua, cá, tôm và hồng đều thuộc thực phẩm tính hàn , không nên ăn cùng nhau. Những thực phẩm tanh như tôm, cua, cá đều rất giàu protein, kết hợp với tanin trong hồng dễ dẫn đến kết tủa, hình thành sỏi trong dạ dày. Không nên ăn hồng kết hợp uống rượu, có thể gây tắc ruột. Người thường xuyên táo bón cũng không nên ăn hồng…