Từ nhu cầu đó, nhiều phiên chợ nông sản “tử tế” đã ra đời, trở thành điểm kết nối những người làm nông lương thiện và người tiêu dùng. Mô hình này đang góp phần không nhỏ trong việc xây dựng niềm tin về một nền nông nghiệp tử tế và cổ vũ tinh thần cho nhiều doanh nghiệp trẻ tham gia lĩnh vực này.
Phiên chợ thu hút sự quan tâm lớn của người tiêu dùng...
Vì lợi ích cộng đồng
Ra đời vào tháng 2/2016, Chợ phiên lương nông diễn ra vào thứ Sáu hằng tuần tại 149 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều chị em nội trợ. Vốn biết nhau trong một cộng đồng nông sản thuận theo tự nhiên trên mạng xã hội, những người trẻ tâm huyết với nông sản sạch đã nảy ra ý tưởng về phiên chợ này như một điểm kết nối giải quyết đầu ra cho nông sản của mình, vừa giúp cho người tiêu dùng tiếp cận nguồn nông sản chất lượng.
Với tiêu chí không đặt nặng việc kinh doanh mà chú trọng đến lợi ích cộng đồng, họ đã mang những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ do chính mình/gia đình mình làm ra hoặc những nông sản an toàn từ quê hương đến phiên chợ.
Sau một thời gian triển khai, đến nay Chợ phiên lương nông đã có 8 gian hàng với đầy đủ các loại thực phẩm từ rau củ quả, trái cây đến thực phẩm tươi sống để phục vụ người tiêu dùng.
Dù sinh sau đẻ muộn so với Chợ phiên lương nông, Phiên chợ xanh tử tế ra mắt vào tháng 4 vừa qua đã thu hút hơn 40 doanh nghiệp từ các hợp tác xã làng nghề, câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp các tỉnh tham gia.
Dưới sự bảo trợ của Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), phiên chợ sẽ diễn ra vào Thứ bảy và Chủ nhật tuần thứ nhất và thứ ba mỗi tháng tại 163 Pasteur, Q.3, TP.HCM, hứa hẹn là điểm lý tưởng kết nối nhà nông tử tế với người tiêu dùng.
Trong 2 ngày diễn ra phiên chợ đầu tiên vào 23 và 24/4, nhiều sản phẩm hữu cơ như nho, xoài, táo, rau sạch… đã cháy hàng chỉ sau vài tiếng đồng hồ bày bán. Cũng chính tại nơi đây, người tiêu dùng thành phố lần đầu tiên được tiếp cận và dùng thử nhiều đặc sản từ các địa phương như xoài, thanh long sấy theo phương pháp tự nhiên không chất bảo quản; trà lá sen sấy khô, khô ếch, khô cá (Đồng Tháp); xà bông, muối thảo dược, tinh dầu từ bản Cát Cát (Sa Pa)…
Dễ nhận thấy ở cả 2 phiên chợ nói trên, không có cảnh kỳ kèo mặc cả mà chỉ có niềm vui và những tiếng cười. Người bán tự tin về nguồn gốc, cách thức nuôi trồng sản phẩm nên việc thuyết phục khách hàng tràn đầy nhiệt huyết, người mua đến phiên chợ lấy lại niềm tin vào những điều tử tế, đồng thời tìm được sản phẩm an toàn cho gia đình nên chẳng ngại ngần bộc lộ niềm vui.
...và cũng là nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh "tử tế" của các doanh nghiệp và người dân.
Nơi doanh nghiệp trẻ học hỏi và trưởng thành cùng nông nghiệp sạch
Không chỉ là điểm đến để người tiêu dùng được tiếp cận và tiếp thêm niềm tin vào những sản phẩm nông nghiệp tử tế, phiên chợ nông sản sạch cũng là nơi những bạn trẻ khởi nghiệp được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, trưởng thành và thêm tin tưởng vào lựa chọn “làm nông tử tế” của mình.
Vốn biết nhau trước đó trong một cộng đồng nông sản thuận tự nhiên, các bạn trẻ tham gia Chợ phiên lương nông đã quen với việc chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm nuôi trồng, kỹ thuật canh tác mới. Họ cũng tập hợp được nhiều lão nông lành nghề, những chuyên gia về nông nghiệp thuận theo tự nhiên để tổ chức những buổi chia sẻ kinh nghiệm, giúp các bạn trẻ nâng cao kỹ năng cho mình.
Một gương mặt được chú ý tại phiên chợ là chàng trai Võ Văn Tiếng (quê ở Đồng Tháp) đã thành công với mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá, vịt sạch. Gian hàng của Tiếng đa dạng các sản phẩm từ gạo hữu cơ đến mặt hàng tươi như cá lóc đồng, chả cá đồng.
Phiên chợ này không chỉ là cơ hội tốt để tiếp cận với người tiêu dùng mà đây còn là nơi Tiếng chia sẻ kinh nghiệm làm nông hữu cơ và kêu gọi nhiều bạn trẻ tham gia mô hình này.
Với anh Nguyễn Thanh Liêm - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tạo Thanh niên Đồng Tháp, trong vai trò là người mang đặc sản của nhiều doanh nghiệp tại quê nhà tham gia Phiên chợ xanh tử tế, điều mà anh gặt hái được không chỉ là doanh số bán hàng mà còn là những ý kiến đóng góp quý giá của người dùng.
Vì chưa tìm hiểu kỹ nhu cầu của người dùng thành phố, gian hàng của Liêm cháy hàng các món khô ếch đồng, cá lóc nhưng lại tồn nhiều mặt hàng khác. Thanh Liêm cho biết nhờ tham gia phiên chợ mà anh đã hiểu hơn về nhu cầu của người tiêu dùng để làm tốt hơn trong những phiên chợ sau.
Anh cũng nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của khách hàng để có thể thay đổi cách thức đóng gói sản phẩm sao cho bắt mắt và tăng giá trị sản phẩm. Được biết, bên lề phiên chợ, BSA sẽ tổ chức rất nhiều buổi tập huấn chuyên môn để giúp các bạn trẻ khởi nghiệp nâng cao kỹ năng tiếp thị, bán hàng…
Với ý nghĩa thiết thực, những phiên chợ nông sản tử tế sẽ là điểm hẹn lý tưởng để những người làm nông tử tế đưa nông sản sạch từ các địa phương về với người dân thành phố. Đây là mô hình cần được nhân rộng để cổ vũ một nền nông nghiệp phát triển bền vững thật sự mang lại lợi ích cho cộng đồng.