Theo các chuyên gia, đến thời điểm này, các doanh nghiệp cũng như nhà bán lẻ đã lên kế hoạch cho thị trường cuối năm. Đây là mùa tiêu thụ hàng hóa chính trong năm, thời gian quyết định doanh số bán hàng cho cả năm. Mùa mua sắm này còn giúp doanh nghiệp, các nhà bán lẻ nhận định thị trường năm tới, cũng như có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp cho năm tài chính kế tiếp.
Thị trường cuối năm chiếm 52%
Đối với thị trường cuối năm, nhóm hàng được tiêu thụ mạnh thường là ngành hàng đồ uống. Điều tra nghiên cứu thị trường cho thấy ngành hàng này đã bắt đầu tăng trưởng khá. Tại các thành phố lớn, mức tăng trưởng của nhóm hàng nước giải khát khoảng 39%, thực phẩm tăng 15%, các sản phẩm từ sữa tăng 16%. Các ngành hàng còn lại đều bắt đầu tăng tốc như nhóm sản phẩm chăm sóc nhà cửa tăng 6%, sản phẩm chăm sóc cá nhân tăng 8%, sản phẩm cho trẻ tăng 4%.
Theo giới kinh doanh, những tháng cuối năm là mùa cao điểm của một số ngành hàng với mức độ cạnh tranh gay gắt. Nhóm hàng cao điểm trong mùa Tết là bánh, bia, nước ngọt, cà phê. Tuy nhiên, các ngành hàng khác tuy không tiêu thụ mạnh như những mặt trên nhưng vẫn tăng doanh số rất cao trong dịp này. Chỉ trong mùa Tết, các ngành hàng có giá trị tiêu thụ chiếm đến 52%. Điều đó cho thấy mùa mua sắm cuối năm rất quan trọng đối với nhà sản xuất cũng như nhà bán lẻ.
Để kích thích mua sắm cuối năm, các nhà sản xuất cần có nhiều chính sách bán hàng như có nhiều chương trình khuyến mãi, có chính sách trả hàng - hoàn tiền, trả chậm, hỗ trợ việc trưng bày sản phẩm. Điểm nổi bật nhất ở thị trường Tết là mặt hàng bia, một trong những nguyên nhân làm cho mặt hàng này tiêu thụ mạnh là nhà bán lẻ “thích” nhà sản xuất có nhiều chính sách hỗ trợ bán hàng như mua nhiều hơn 10 thùng sẽ được tặng 1 thùng. Nhà bán lẻ được hưởng hoa hồng từ 3%-4%, được cung cấp lịch, thùng đá, kệ khi nhập bia của một nhãn hàng nào đó.
Người tiêu dùng lạc quan hơn
Mùa mua sắm cuối năm nay được củng cố thêm thông tin từ điều tra thị trường, cho thấy người tiêu dùng trong nước vẫn lạc quan và sẵn sàng chi tiêu cho việc mua sắm. Theo đó, nhà sản xuất và nhà bán lẻ có cơ sở để chuẩn bị nguồn hàng Tết chính xác hơn. Mặc dù có sự giảm nhẹ trong quý II nhưng mức độ tự tin của người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ được ở mức cao, giúp Việt Nam đứng thứ 7 trong số các quốc gia có mức độ lạc quan cao nhất toàn cầu. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng vừa được Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen công bố.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á vẫn là những người tiêu dùng có mức độ tự tin cao nhất. Trong quý này, Philippines đã tạo kỷ lục mới khi vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia có mức độ lạc quan cao nhất. Indonesian vẫn giữ vị trí thứ ba, kế đến là Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Trong thời đại internet, người tiêu dùng Việt chú ý sát sao đến những gì đang diễn ra trên thị trường và họ cũng dễ dàng bị ảnh hưởng bởi sự truyền miệng từ những người xung quanh và họ nhanh chóng đưa ra phản ứng. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất và nhà bán lẻ phải hành động nhanh hơn nữa để lường trước các xu hướng và giải quyết, đáp ứng được các mối quan tâm trước khi những ảnh hưởng đó định hình quyết định tiêu dùng của người Việt.
Người Việt vẫn là những người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, dù tiết kiệm, người tiêu dùng Việt vẫn rất sẵn lòng để chi trả cho các khoản mục lớn. Sau khi đã trang trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu, người Việt sẽ sử dụng tiền nhàn rỗi để đi du lịch, nghỉ mát, mua sắm quần áo và sử dụng các dịch vụ giải trí bên ngoài. Thu nhập tăng lên đang thúc đẩy họ mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống và thay đổi phong cách sống như mua sắm các sản phẩm công nghệ. Đồng thời, sức khỏe vẫn là mối quan tâm quan trọng của người tiêu dùng Việt hiện nay. Người tiêu dùng đang tìm cách để có một cuộc sống khỏe mạnh và lành mạnh hơn. Sự bảo đảm về công việc và sự ổn định của nền kinh tế tiếp tục là mối quan tâm kế tiếp... Các yếu tố này sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà bán lẻ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh những tháng cuối năm.