K ết quả khảo sát bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) của Hội Doanh nghiệp (DN) HVNCLC vừa được công bố cho thấy nhiều thông tin mới phong phú, sát thực về thị trường và cần thiết cho hoạt động kinh doanh của DN.
Hàng Thái lấn lướt hàng Trung Quốc
Theo Hội DN HVNCLC, tổng hợp từ 16.000 phiếu khảo sát các hộ gia đình trên khắp Việt Nam cho thấy người tiêu dùng sử dụng hàng sản xuất trong nước là chủ yếu với 92% nhưng tỉ lệ ưa thích thấp hơn, chỉ 78%. Điều này cho thấy các nhà sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người tiêu dùng. Tỉ lệ người tiêu dùng yêu thích sản phẩm ngoại nhập có xu hướng tăng, là dấu hiệu đáng lo ngại đối với DN trong nước khi trong tương lai gần, tỉ lệ mua sắm sẽ có sự dịch chuyển sang các sản phẩm ngoại nhập.
Người tiêu dùng có tâm lý ngày càng e dè, thậm chí tẩy chay hàng Trung Quốc, nhất là ở một số sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, may mặc, nông sản tươi… Trong khi đó, hàng Thái Lan đã nhanh chóng nắm thời cơ thuận lợi này và đang nỗ lực thay thế chỗ trống. DN Thái cũng tăng cường tiếp cận thị trường và tổ chức nhiều loại hình tiếp thị sản phẩm nhắm vào tâm lý tiêu dùng “sính” ngoại của người tiêu dùng Việt.
Cụ thể, thống kê cho thấy tỉ lệ yêu thích hàng Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… vượt trội hơn hẳn so với tỉ lệ mua hàng. Một số người tiêu dùng đánh giá chất lượng sản phẩm HVNCLC tương xứng hoặc ngang ngửa hàng ngoại nhập còn hạn chế, thậm chí có 2% người tiêu dùng đánh giá chất lượng tạm được tương ứng với giá rẻ đòi hỏi cộng đồng DN cần nỗ lực hơn nữa trong sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm khẳng định vị thế cạnh tranh so với sản phẩm ngoại nhập.
Sản phẩm Nhật sẽ ngày càng nhiều
Nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng Việt chuộng hàng ngoại và cơ hội từ việc Việt Nam mở cửa, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng ngoại đang có mặt ngày càng nhiều trên các quầy kệ từ siêu thị, trung tâm thương mại đến cả chợ truyền thống.
Tại buổi công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN Nhật ở Việt Nam năm 2017 mới đây, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) ở TP HCM, cho biết xu hướng đầu tư của DN Nhật trong năm nay vào thị trường Việt Nam tập trung vào các ngành bán lẻ, dịch vụ, thực phẩm chế biến sẵn, thay vì các ngành chế biến chế tạo như trước đây. Thu nhập của người Việt tăng lên, cùng với xu hướng tiêu dùng nhiều hơn giúp DN Nhật có cơ hội đẩy mạnh hoạt động trong các lĩnh vực này.
Không chỉ hệ thống các chuỗi siêu thị Nhật đang tăng cường mở rộng đầu tư như Aeon Mall, Ministop, Family Mart nhằm đưa hàng Nhật tới tay người tiêu dùng Việt, các DN Nhật cũng đẩy mạnh xúc tiến hàng hóa, thực phẩm qua Việt Nam. Mới đây, 30 DN thủy sản Nhật đã tham gia chương trình kết nối DN Việt Nam - Nhật Bản do JETRO tổ chức nhằm giới thiệu các sản phẩm thủy hải sản được nuôi trồng và đánh bắt tại đất nước này.
Năm 2016, theo JETRO, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 trong tổng số các thị trường Nhật xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm (tính theo kim ngạch). Số lượng nhà hàng Nhật cũng tăng nhanh tại Hà Nội và TP HCM, đồng thời Việt Nam cũng trở thành thị trường tiềm năng, đầy hứa hẹn cho sản phẩm thực phẩm xuất khẩu từ đất nước mặt trời mọc.
Theo các chuyên gia, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt ra thế giới từ các FTA là rất lớn nhưng ngược lại, thị trường nội địa cũng sẽ bị cạnh tranh gay gắt do hàng ngoại tràn vào. Do đó, các DN trong nước cần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và cạnh tranh về giá để tồn tại, phát triển ngay trên sân nhà.
Lo ngại về an toàn thực phẩm
Một điểm nổi bật khác từ cuộc khảo sát HVNCLC năm 2017 là người tiêu dùng lo ngại rất nhiều đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó 1/4 số người được khảo sát lo ngại DN sử dụng chất cấm trong sản xuất và bảo quản hay sử dụng nguyên liệu không bảo đảm chất lượng để sản xuất. Một trong những lo ngại đáng lưu tâm hơn cả là dù biết sản phẩm không an toàn, người tiêu dùng vẫn phải mua dùng vì chưa có sản phẩm thay thế trên thị trường.