Phải hiểu cho đúng
Đó là ý kiến của một số chuyên gia khi trao đổi với Đất Việt về tình trạng lập lờ các khái niệm "sữa tươi thanh trùng", "sữa tươi tiệt trùng", "sữa tiệt trùng"... được ghi trên nhãn mác các sản phẩm sữa dẫn đến chất lượng không đúng với công bố thực tế gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng. Theo các chuyên gia này, cần phải định nghĩa lại cho đúng các khái niệm trên để tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, sữa tươi thanh trùng và sữa tươi tiệt trùng đều là những sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ nguyên liệu sữa tươi, đã qua xử lý ở nhiệt độ cao.
Trong đó, sữa tươi thanh trùng được khử trùng ở nhiệt độ 73 độ C, bảo quản trong nhiệt độ từ 0-5 độ C và để được từ 5-10 ngày.
Sữa tươi tiệt trùng được khử trùng ở nhiệt độ từ 135-137 độ C và có thể để được trong 6 tháng ở Việt Nam, và tới 10 tháng ở nước ngoài.
Các loại sữa này được bảo vệ trong hộp giấy, gồm 6 lớp bao bì và trong cùng là một lớp giấy bạc.
Sự lập lờ trong nhãn mác sữa khiến người tiêu dùng nhầm lẫn. Ảnh minh họa
Trong khi đó, sữa tiệt trùng có thể được làm từ sữa bột hoàn nguyên, có thể để được trong khoảng 6 tháng, được bảo vệ đơn giản và có giá rẻ hơn so với các loại sữa tươi nói trên.
"Cho đến nay tới 70% sữa nguyên liệu của Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài. Không tránh khỏi trường hợp các nhà sản xuất ham lợi nhuận nhập sữa bột giá rẻ về hoàn nguyên, chế ra sữa tiệt trùng. Làm như vậy giá rẻ hơn, nhanh hơn và doanh nghiệp được lợi hơn. Nếu nhập sữa nguyên liệu đảm bảo, chất lượng tốt thì rất đắt tiền", ông Nguyễn Đăng Vang cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cũng lưu ý, thành phần dinh dưỡng của sữa tươi tốt hơn sữa hoàn nguyên. Đối với sữa tiệt trùng làm từ sữa hoàn nguyên, chất dinh dưỡng đã mất đi rất nhiều.
Bổ sung thêm, PGS.TS Đặng Minh Nhật, Khoa Hóa, Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cũng cho rằng, trên thị trường hiện nay, ngoài sữa tươi thanh trùng và sữa tươi tiệt trùng, còn có loại sữa khác là sữa hoàn nguyên, tức là loại sữa động vật được đem đi sấy khô thành bột rồi hoàn nguyên trở lại. Về cơ bản, chất lượng của loại sữa này vẫn an toàn, trong quá trình sấy, chất dinh dưỡng đã mất đi ít nhiều nhưng dù sao vẫn đảm bảo.
"Đáng lưu ý, có một loại sữa khác được làm từ sữa gầy. Theo đó, để sản xuất ra phô mai, người ta đông tụ lại loại protein chính của sữa, gọi là casein, phần dịch còn lại không đông tụ gọi là sữa gầy. Loại sữa đó bị loại đi phần lớn protein, người ta có thể đem đi sấy và thu được bột sữa. Hàm lượng protein trong bột sữa này thấp hơn, tính chất của protein cũng khác. Bột sữa đó người ta có thể đem đi hoàn nguyên lại, khi hòa trong nước cũng tan được nhưng giá trị dinh dưỡng thấp hơn các loại sữa trên nhiều.
Hiện nay, ngoài protein từ sữa, nhiều nhà sản xuất sữa còn pha trộn protein từ nguồn khác như protein đậu nành cho đủ độ đạm của sữa thì giá trị dinh dưỡng không đảm bảo như như sữa ban đầu (sữa tươi). Sữa tiệt trùng có thể được làm từ sữa tươi cũng có thể làm từ sữa hoàn nguyên", PGS.TS Nguyễn Minh Nhật chỉ rõ.
PGS.TS Nguyễn Minh Nhật cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp sữa hiện nay nhập khẩu sữa bột nước ngoài về hòa tan trở lại rồi đóng vào hộp, gọi là sữa hoàn nguyên. Tuy nhiên, cần phải lưu ý, loại sữa này được làm từ bột sữa nguyên gốc hay bột phụ phẩm của công nghệ sản xuất phô mai. Việc sử dụng nguyên liệu khác nhau dẫn đến giá trị dinh dưỡng của sữa khác nhau.
"Quan trọng là sữa hoàn nguyên đó nhập về với chất lượng như thế nào. Nếu doanh nghiệp ham rẻ, có thể chỉ nhập loại bột sữa là phụ phẩm của công nghệ sản xuất phô mai, giá trị dinh dưỡng của nó sẽ không toàn vẹn như sữa bò - loại sữa có giá trị dinh dưỡng cân đối", PGS Nhật nhấn mạnh.
Minh bạch trong nhãn mác sữa
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, dù định nghĩa là như vậy nhưng việc ghi nhãn mác của các nhà sản xuất sữa lại có sự lập lờ khiến người tiêu dùng không biết rõ được thực hư chất lượng của sản phẩm sữa như thế nào. Chẳng hạn, sữa chế biến từ sữa bột đang được ghi trên bao bì là “sữa tiệt trùng”, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn.
Năm 2010, Bộ Y tế có Thông tư 30/2010/TT-BYT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng. Trong đó, sữa dạng lỏng làm từ sữa bột không còn được gọi là “sữa hoàn nguyên” mà gọi là “sữa tiệt trùng”. Tên gọi này không gọi thẳng vào nguyên liệu sản xuất (sữa bột hay sữa tươi) mà chỉ là tên phương pháp chế biến, dùng chung cho cả sữa bột và sữa tươi.
"Các quy định được đưa ra chưa rõ ràng và cần phải sửa lại, tránh nhầm lẫn và thiệt thòi cho người tiêu dùng cũng như ngành chăn nuôi trong nước. Tôi được biết, dự kiến giữa năm nay sẽ sửa lại các quy định này", ông Vang nói.
PGS.TS Nguyễn Minh Nhật cũng nhấn mạnh, cần phải có định nghĩa rõ ràng, minh bạch các khái niệm sữa. Chẳng hạn, đã gọi là sữa tươi thì phải có nguồn gốc từ động vật, sữa hoàn nguyên thì phải quy định rõ sản xuất từ đâu, từ sữa bò sấy khô chứ không được pha trộn thêm protein khác.