Trung Quốc đối mặt với nhiều bê bối thực phẩm bẩn trong những năm gần đây, nhưng trứng cá tầm sản xuất ở quốc gia châu Á này được những người am hiểu về trứng cá muối đánh giá rất cao. Loại thực phẩm được ví như "vàng đen" rất đắt đỏ đối với khách hàng Mỹ do nằm trong danh sách áp thuế 25% của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Trứng cá muối Trung Quốc hầu hết được sản xuất từ một vùng hồ đẹp như tranh vẽ ở tỉnh Chiết Giang, nơi công ty Kaluga Queen nuôi những trang trại cá tầm khổng lồ. Thành lập từ năm 2005, Kaluga Queen hiện sản xuất hơn 1/3 sản lượng trứng cá muối trên thế giới, thống trị toàn cầu về loại thực phẩm hảo hạng và xa xỉ này.
Trang trại cá tầm của Kaluga Queen nằm cách bờ hồ Qiandaohu (Vạn Đảo) ở Chiết Giang khoảng 20 phút đi thuyền. Cá tầm phải nuôi từ 7 đến 15 năm mới đẻ trứng. Những con cá tầm to nhất có thể dài tới 4 mét và nặng khoảng 300 kg.
"Chúng giống như những đứa con của chúng tôi. Tôi đã chăm sóc chúng từ khi còn bé, nên không nỡ nhìn chúng bị giết thịt. Nhưng chúng tôi cũng thấy vui khi góp phần làm ra một loại thực phẩm hảo hạng", Qiao Yuwen, người nuôi cá tầm, nói và thả những viên thức ăn làm từ tôm, đậu Hà Lan và vitamin cho cá ăn.
Một thời gian dài trước đây, Nga và Iran thường đánh bắt cá tầm tự nhiên ở biển Caspian. Nhưng việc khai thác quá mức và nạn đánh bắt trộm đã khiến sản lượng cá tầm suy giảm. Việc đánh bắt cá tầm ở biển Caspian bị cấm vào năm 2008, trong khi những trang trại nuôi cá tầm mọc lên như nấm ở khắp nơi, đặc biệt là Italy, Pháp và Trung Quốc.
Trang trại cá tầm của Kaluga Queen hiện có 300 nhân viên chịu trách nhiệm nuôi khoảng 200.000 con. Đến tuổi đẻ trứng, cá tầm cái được đưa tới phòng thí nghiệm để gây mê và tiến hành lấy trứng. Trứng sau đó được rửa sạch, phân loại, ướp muối và đóng hộp.
Năm ngoái, Kaluga Queen sản xuất 86 tấn trứng cá muối và phần lớn được xuất khẩu đến các thị trường như Liên minh châu Âu (50%), Mỹ (20%) và Nga (10%). Một kg trứng cá muối có giá dao dộng khoảng 10.000-18.000 nhân dân tệ (1.420-25.600 USD), tùy thuộc vào từng loại.
Một bộ trứng của những con cá tầm đắt nhất có thể trị giá tới 2 triệu nhân dân tệ (hơn 284.000 USD). "Nó bằng giá của một chiếc Ferrari", Xia Yongtao, phó chủ tịch công ty, nói.
Theo Xia, để có được thành công hiện nay, Kaluga Queen đã phải trải qua chặng đường khó khăn để chiếm được lòng tin của khách hàng. Trứng cá muối Trung Quốc phải vượt qua nhiều hoài nghi của khách hàng nước ngoài sau những vụ bê bối thực phẩm như sữa bột bẩn, nước tương chứa asen, hay gạo nhiễm cadmium.
"Vài năm trước, khách hàng luôn ngần ngại mỗi khi chúng tôi nói tới trứng cá muối Trung Quốc", Raphael Bouchez, chủ tịch Kaviari, nhà cung cấp trứng cá muối cho các nhà hàng lớn ở Paris, cho biết. "Nhưng phải nói rằng, trứng cá muối của Trung Quốc rất ngon. Tuy nhiên, một số đầu bếp thích trứng cá muối của Pháp, Uruguay hoặc bất kỳ nơi nào khác hơn là Trung Quốc".
Hiện, doanh thu hàng năm của Kaluga Queen đạt 220 triệu nhân dân tệ (hơn 31 triệu USD). Trứng cá muối Trung Quốc giờ xuất hiện trên khoang hạng nhất của Lufthansa, hãng hàng không nổi tiếng của Đức, hay trong nhà hàng 2 sao Michelin L'Atelier de Joel Robuchon ở Thượng Hải.
Một con cá tầm đang được nhân viên của công ty Kaluga Queen mổ bụng để lấy trứng. Ảnh: AFP.
Theo phó chủ tịch Xia, các nhà phân phối đã đưa trứng cá muối Kaluga Queen tới nhiều nhà hàng trên khắp thế giới. Một trong số đó cho biết từng cung cấp một lô hàng cho lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Guy Savoy, đầu bếp nổi tiếng thế giới hiện đang làm việc tại một nhà hàng 3 sao Michelin ở Paris, cũng sử dụng trứng cá muối Trung Quốc cho những món ăn của ông. "Xuất xứ từ Trung Quốc không phải là vấn đề. Quan trọng là chất lượng của nó. Và những sản phẩm cung cấp cho chúng tôi hiện nay có chất lượng vượt trội", Savoy nói.
Lily Liu, giám đốc kinh doanh của Kaluga Queen hy vọng tổng thống Mỹ sẽ thử món trứng cá muối này. "Chúng tôi hi vọng Tổng thống Donald Trump sẽ nếm thử trứng cá muối của chúng tôi và nói rằng 'Tôi thích nó. Hãy giảm thuế để trứng cá muối Trung Quốc có thể chinh phục thị trường Mỹ'".