Được đào tạo chuyên ngành an ninh hàng không, công tác tại sân bay Tân Sơn Nhất nhưng anh Toản lại mê nuôi cá. Thế nên năm 2010, anh đến nhiều vùng sông nước ở Đồng Nai tìm đất để đào hồ nuôi cá nhưng bất thành.
Thời điểm năm 2013, khi cá tầm từ Trung Quốc ồ ạt tràn vào VN nhưng người bán lại giới thiệu là “cá tầm Đà Lạt”, khiến anh suy nghĩ tại sao Đà Lạt có đầy đủ yếu tố thiên nhiên thuận lợi cho nghề nuôi cá nước lạnh, lại để cá nước ngoài lấn át? Thế là anh quyết định xin nghỉ việc, lên Đà Lạt, Lạc Dương (Lâm Đồng) tìm nơi phù hợp để nuôi cá.
Cá tầm Trường Toàn được nuôi dưới chân núi Lang BiangẢNH: LÂM VIÊN
Đầu năm 2014, anh đã mua được khu đất rộng 3 ha trong một thung lũng rợp bóng thông xanh, có dòng suối nước trong lành chảy qua, thuộc thôn Đạ Nghịt, xã Lat, H. Lạc Dương (cách Đà Lạt hơn 20 km), để đầu tư trang trại nuôi cá nước lạnh.
Đầu năm 2015, trang trại nuôi cá tầm Trường Toàn theo quy mô công nghiệp, xanh và sạch dưới chân núi Lang Biang hình thành và lứa cá đầu tiên được nuôi. Anh Toản cho biết trứng cá tầm nhập khẩu từ Đức và Nga phải đưa về trang trại càng sớm càng tốt (khoảng 1 tuần sau khi thụ tinh). Trứng được ủ trong lồng, giữ nhiệt độ ổn định 15 - 16 độ C; đồng thời tạo nguồn nước đẩy vào lồng ấp, phun từ dưới lên gây áp lực liên tục suốt trong 75 ngày thì cá mới nở.
Cá “sơ sinh” được nuôi trong những hồ đặc biệt có mái che, ánh sáng rất ít; cứ 1 giờ cho ăn 1 lần (thức ăn nhập khẩu giá 4 triệu đồng/kg); cá 10 ngày tuổi 2 giờ cho ăn 1 lần; 20 ngày tuổi 3 giờ cho ăn một lần... trên 30 ngày tuổi khi cá đạt trọng lượng từ 50 - 60 gr mới chia ra các hồ nuôi lớn.
“Đây là giai đoạn gian nan nhất, dù đêm giá lạnh giữa rừng sâu vẫn phải chia ca túc trực bên hồ cho cá ăn, chẳng khác gì nuôi con mọn”, anh Toản chia sẻ. Cá nuôi trong hồ lớn cứ 6 giờ cho ăn 1 lần, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, nếu không tuân thủ đúng quy trình cá sẽ chậm phát triển. Sau 16 - 18 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 1,8 - 2 kg/con có thể thu hoạch, đưa ra thị trường.
Hiện nay, trang trại nuôi cá tầm của Trường Toàn có 30 bể ươm cá giống và 82 bể nuôi cá thương phẩm trên diện tích khoảng 15.000 m2, sản lượng năm 2016 đạt 250 tấn. Không chỉ đầu tư ở Lâm Đồng, với thành công trên, năm 2016 anh Toản đầu tư thêm 2 trang trại nuôi cá tầm quy mô 2 ha tại H.Krông Bông (Đắk Lắk), dự kiến quý 1/2017 sẽ có 1 trang trại đi vào sản xuất. Theo anh Toản, điều kiện tự nhiên ở Krông Bông tương tự Đà Lạt nên sẽ cố gắng quản lý chất lượng như cá tầm suối Đà Lạt, nhằm giữ vững thương hiệu sản phẩm.
Trước tình trạng cá tầm chất lượng kém, xuất xứ từ nước ngoài tràn vào VN, từ cuối năm 2015, anh Toản bàn bạc với các trang trại nuôi cá ở Đà Lạt liên kết với nhau tạo thương hiệu bền vững. Mỗi con cá tầm Đà Lạt đều được gắn tem chống giả để người tiêu dùng có thể nhận biết và phân biệt đâu là cá tầm suối Đà Lạt và đâu là cá tầm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Anh sắm xe chuyên dụng, hàng tuần chịu trách nhiệm tiêu thụ cá thương phẩm cho các trang trại liên kết, vận chuyển cá sống từ Đà Lạt về TP HCM, sau đó tổ chức gắn tem lên từng con cá. Trên tem ngoài tên thương hiệu “Cá tầm suối Trường Toàn”, còn có seri gồm 7 chữ số được dập chìm để tránh giả mạo.
Ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng, nhận định có thể đây là doanh nghiệp đầu tiên ở VN gắn “nhãn” cho sản phẩm cá tầm, giúp người tiêu dùng nhận biết cá tầm suối Đà Lạt để chọn lựa khi mua.