Mít lạ ở miền Tây
Cũng giống như các loại cây ăn quả khác, ở Việt Nam, mít là loại cây trồng khá quen thuộc. Chúng không chỉ là cây ăn quả được trồng trong vườn nhà mà còn là cây hàng hóa, được trồng chuyên canh ở nhiều địa phương. Nước ta có hàng chục loại mít khác nhau như mít thái, mít nghệ, mít Tố Nữ, mít mật hay mít dai,...
Mít cho quả quanh năm nhưng rộ nhất vào mùa hè. Thế nên tại các siêu thị, cửa hàng, chợ hay trên phố, người ta thường thấy mít được bày bán tràn lan, giá cả tùy thuộc vào từng loại. Như hiện nay, mít Thái được các nhà vườn bán với giá 9.000-18.000 đồng/kg tùy loại, mít quê ngoài chợ 25.000-30.000 đồng/kg. Theo nhà vườn và người bán, giá này là khá rẻ.
Nhưng tại miền Tây, một nhà vườn trồng loại mít siêu lạ, ruột đỏ au bán với giá cao ngất ngưởng, song vẫn cháy hàng.
Đặc điểm nổi bật nhất của loại mít này chính là múi đỏ au, cùi dày, thơm phức (Ảnh: Vietnamnet).
Anh Mạnh Khương - đầu mối liên kết với nhà vườn trồng loại mít ruột đỏ - cho hay anh đang bán sỉ mít này với giá 90.000 đồng/kg song vẫn không đủ hàng cung cấp cho các đầu mối. Mít lúc nào cũng trong tình trạng cháy hàng.
Đây là loại mít còn khá lạ trên thị trường, chưa được trồng phổ biến. Ở miền Tây, nhà vườn đầu tiên và cũng là vườn trồng mít ruột đỏ nổi tiếng nhất thuộc sở hữu của lão nông Hai Trắng (Nguyễn Minh Trắng), ở xã Vị Đông (Vị Thủy, Hậu Giang).
Loại mít này được ông tình cờ phát hiện ra trong một lần đi hội chợ tại Cần Thơ năm 2003. Lúc đó, ông được người bán giới thiệu đây là giống mít siêu sớm, cây nhanh cho quả. Đặc biệt, mít chín ruột có màu đỏ như màu gạch nung, cơm dày, mùi vị ngọt giòn, thơm dịu.
Lần đó, ông Hai Trắng liền mua 50 gốc mít về trồng thử quanh nhà. Cây mít ruột đỏ lớn nhanh không sâu bệnh, chẳng bao lâu bắt đầu ra trái. Nhưng chỉ duy nhất có một cây ra hơn chục trái, mỗi trái cân nặng 15-17kg, khi chín cả múi và xơ mít đều có màu đỏ sậm, đúng như lời ông bán cây giống giới thiệu. 49 cây còn lại, cũng ra trái bình thường, nhưng khi chín ruột, xơ mít lại là màu vàng, giống như những giống mít thông thường khác.
Vì thế, ông giữ lại duy nhất cây mít ruột đỏ để nhân giống, những cây còn lại đều chặt bỏ.
Hoa đậu biếc nửa triệu đồng/kg
Vài năm gần đây, thay vì sử dụng màu thực phẩm để nhuộm món ăn, chị Hà Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sử dụng hoa đậu biếc. Hoa sẽ cho màu xanh tím vô cùng đẹp mắt, tự nhiên. Giá cho mỗi cân hoa đậu biếc sấy khô hiện dao động 500.000 - 550.000 đồng.
"Ngoài tạo màu cho món ăn, thi thoảng, tôi cũng dùng đậu biếc để làm trà uống. Tôi thấy mọi người bảo, nếu uống điều độ, đúng cách thì dòng hoa này tốt cho sức khỏe, chống lão hóa và giảm căng thẳng" - chị nói.
Theo chị Phương, đậu biếc còn có tên là bông biếc, đậu hoa tím, là loài cây leo, thân thảo, thường được trồng làm hàng rào hoặc thành giàn hoa trước hiên nhà. Hoa có màu xanh tím, xanh lam đậm hoặc màu trắng, nhưng phổ biến nhất là màu xanh tím.
Chị Huyền My, tiểu thương ở chợ Hoàng Mai (Hà Nội), kể ngày trước, ở quê chị, người ta thường trồng cây đậu biếc trước hiên nhà làm bóng mát, lấy hoa cho đẹp. Nhưng từ khi có "cơn sốt" các món ăn có màu, người dân mới để ý, trồng nhiều theo hướng công nghiệp. Theo chị, cây này cho hoa quanh năm, cứ nửa tháng lại nở đợt hoa mới một lần.
"Đậu biếc thường không để tươi được lâu nên người dân thường mang đi sấy hoặc phơi khô rồi bán cho thương lái. Do cánh hoa nhẹ, nên cứ 7 - 8kg hoa tươi mới được 1kg hoa khô thành phẩm. Như 2 - 3 năm trước, cơn sốt hoa lên cao thì giá được 1 - 1,5 triệu đồng/kg, giờ chỉ còn 400.000 - 700.000 đồng/kg" - chị tiết lộ.
Thông thường, sau khi mua hoa của người dân, chị My sẽ mang về chia ra làm từng túi nhỏ 100g, 200g. Ngoài bán lẻ ở cửa hàng, chị còn rao bán hoa đậu biếc trên các sàn thương mại điện tử, chợ mạng. Túc tắc mỗi ngày, chị cũng bán được 2 - 3kg hoa sấy khô với giá 400.000 đồng/kg.
Mận cơm trượt giá còn 5.000 đồng/kg
Những năm về trước, giá mận cơm đầu mùa có thể lên tới 50.000 đồng/kg, thậm chí là 80.000 đồng/kg nhưng hiện tại chỉ còn 10.000 đồng/kg, nếu mua với số lượng lớn chỉ còn 5.000 đồng/kg.
Chị Ngô Tuyết, một đầu mối hoa quả ở Hà Nội, cho hay, từ năm ngoái, giá mận cơm đã lao dốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng cũng không xuống thấp hẳn như năm nay. Thậm chí, ở nhiều vùng trồng mận tại Sơn La, Lạng Sơn, mận cơm còn được rao bán với giá 3.000 - 4.000 đồng/kg tại vườn.
"Mận rẻ lắm, hàng về tới Hà Nội, quả đẹp như trong tranh mà bán ra có 10.000 đồng/kg mà khách cũng chẳng đoái hoài. Bởi từ khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng tiêu thụ mặt hàng nào cũng chậm, sức mua yếu dần, không chỉ mỗi mận cơm" - chị nói.
Theo chị Tuyết, mận cơm là loại cây được trồng nhiều ở tỉnh phía Bắc, đây là thứ quả nổi tiếng, mỗi năm chỉ có vài tuần. Ngoài có tên là mận cơm người ta còn gọi là mận thóc bởi quả có nhiều màu như xanh, vàng, đỏ trông rất đẹp mắt.
"Ngày xưa mận được giá, chúng tôi còn chia hàng thành loại 1, loại 2 chứ bây giờ thì cứ đổ chung, bán đồng giá. Thế mà, lượng khách đến mua cũng lèo tèo, chẳng bù như mấy năm trước, có ngày tôi bán ra cả tạ mận" - chị kể.