Chị Phạm Thị Hà, 35 tuổi, nhân viên truyền thông công ty Ngọc Trai ở Thái Thịnh, Hà Nội cứ đến cuối tuần lại tranh thủ về quê. Khác với mọi lần thường về chơi, gần đây chị về thu mua mít chín mang lên Hà Nội bán online.
Chị Hà kể: "Khoảng 1 tháng nay, về quê mình thấy nhiều nhà có mít chín. Vì thế, mình nảy ra ý định thu mua mít của các gia đình về bán trên chợ mạng, tranh thủ kiếm thêm. Ở công ty cũng như hàng xóm ngoài Hà Nội, ai cũng thích ăn mít. Nhưng mọi người e ngại mít bị tiêm thuốc, không phải mít chín cây. Trong khi mít quê lại ngon, tin tưởng được nên chị em đặt hàng rất nhiều".
Hiện mùa mít ở quê đang chín rộ nên mít rất thơm, dày múi và ngọt.
Mỗi cuối tuần, chị thu mua được cả tạ mít. Sau đó, chị túc tắc vừa đi làm vừa bán online dần. Ai đặt hàng, mình lại gọi ship đi giao. Nghề tay trái này không ảnh hưởng nhiều đến công việc mà chị thấy vui, có thêm trải nghiệm cũng như thu nhập.
"Trẻ con, người già đều ăn được. Giờ vào mùa mít, quả nào quả nấy ngọt, giòn, múi dày và thơm lắm. Vì mua tận gốc nên mình chỉ lấy công làm lãi và bán 30 ngàn đồng/kg", chị Hà nói.
Do phải thu gom cách Hà Nội gần 30km nên mỗi chuyến đi về chị Thủy khá vất vả. Chị kể, có những hôm đang chở cả tạ mít mà xe bị hỏng giữa đường, lại phải dắt bộ tìm chỗ vá. Hay lấy mít trên cây xuống thì bị kiến cắn, sâu nái đốt,... Rồi phải rong ruổi khắp các vườn, bưng, vác mít về tập kết tại nhà bà ngoại giữa ngày nắng nóng nên cũng rất mệt.
"Thôi vất vả chút nhưng lấy công làm lãi. Mỗi tuần nhờ bán mít chín mình cũng có thêm 500.000 đến gần 1 triệu đồng. Như vậy, tính ra tháng vừa rồi mình cũng kiếm được gần 3 triệu đồng phụ thêm chi tiêu cho gia đình", chị Hà tâm sự.
Chị lưu ý, nhiều chủ vườn làm ăn bát nháo nên người thu mua nhận biết được đâu là mít dai, đâu là mít mật, mít ngọt hay nhạt, có bị sượng không. Nếu chưa quen, nên mua của những gia đình thật thà, chất phác, tin cậy được. Thấy giá mềm và được thử mít ngon rồi hãy mua. Chỉ cần một quả không ngon là người mua đã không có công rồi".