Mận hậu vốn là đặc sản nổi tiếng tại Sơn La, được thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 7. Thông thường, loại này được bán trên các xe đẩy và chợ truyền thống ở TP HCM với giá chỉ 20.000-120.000 đồng một kg.
Tuy nhiên mới đây, mận Ruby, loại được thu hoạch từ những vườn mận hậu cổ ở thung lũng Nà Ka (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) vận chuyển về TP HCM bằng đường hàng không được bán trên sàn thương mại điện tử với giá 230.000 đồng một kg đang rất hút khách.
Ông Phạm Ngọc Anh Tùng - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ và Thương mại UFO, đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử Foodmap cho biết, khoảng 5 tấn mận loại này đã được tiêu thụ tại TP HCM chỉ trong 10 ngày đầu ra mắt. "Dự kiến sản lượng của mận Ruby mùa này khoảng 30 tấn nhưng tới giờ đã cháy hàng vì cung không đủ cầu, lượng đặt hàng đang vượt quá khả năng cung cấp", ông Tùng nói.
Ngoài tiêu thị tại TP HCM, khoảng 200 kg mận Ruby Sơn La cũng đã đến Singapore và Malaysia hôm 25/6 bằng đường hàng không, theo thông tin từ bà Nguyễn Ngọc Huyền, Nhà sáng lập kiêm CEO Mia Fruit – đơn vị xuất khẩu. Tại hai thị trường này, mận Ruby có giá bán lần lượt là 18 đôla Singapore (khoảng 300.000 đồng) và 38 ringgit Malaysia (khoảng 216.000 đồng) mỗi kg.
Số mận tại Singapore đã được vận chuyển hết đến tay khách hàng đặt trước nên không bán tại chỗ. Tại Malaysia, mận được bán tại MAD Palate Health Store Vivo Residential ở Kuala Lumpur. "Đây là đơn hàng đầu tiên để mở ra cánh cửa cho mận hậu Ruby đến với thị trường quốc tế", bà Huyền cho biết.
Mận Ruby có giá đắt đỏ vì được tuyển chọn kỹ lưỡng và nghiệm ngặt hơn mận thường, phải thoả mãn các yêu cầu như: nhà vườn có tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap; khoảng cách trồng của các cây 5 - 6 m để cây hấp thụ đầy đủ ánh sáng mặt trời, hạ táng tỉa cành, giảm bớt số lượng trái. Ngoài ra, nhà vườn không sử dụng phân bón hoá học hay thuốc diệt cỏ và có giấy kiểm định về dư lượng thuốc trừ sâu khi thu hoạch.
Mận thu hoạch tại vườn sẽ được phân loại theo chất lượng như: trái tròn đều còn phấn, vừa chín tới, không bị dập đầu, không có dấu hay vết xước. Sau đó, trái được đóng gói và gửi về các điểm bán trong ngày bằng đường hàng không.
Ông Hà Như Huệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La - cho biết thêm, đây là lần đầu tiên tỉnh này thử nghiệm cho ra mắt sản phẩm mận hậu cao cấp. "Nó cũng là sản phẩm mà UBND tỉnh Sơn La xây dựng thành thương hiệu đại diện cho nông sản của tỉnh", ông Huệ nói và cho rằng mận hậu Ruby của Sơn La xứng đáng xếp vào hàng ngũ trái cây cao cấp, mang lại mức lợi nhuận cao cho nông dân trong tương lai. Sau mận hậu Ruby, tỉnh cũng sẽ xây dựng thêm nhiều sản phẩm nông sản mang lại giá trị cao như trên.
Hiện, Nà Ka có diện tích trồng mậu hậu khoảng 100 ha - được ví như "thiên đường mận hậu". Hàng năm có rất nhiều du khách đến đây để chụp hình khi mận nở hoa cũng như lúc mận chín đỏ trĩu cành.