Những ngày đầu năm, vùng bãi ngang các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) trở nên tấp nập cảnh mua bán cá cháo (cá khoai). Các thuyền gỗ công suất nhỏ từ ngoài khơi tấp nập chở đầy cá cháo vào bờ để bán cho thương lái.
Anh Lê Doãn Thành (trú tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà) cho biết, mùa cá cháo bắt đầu từ tháng 11 đến đầu tháng 2 năm sau. Loài này sống cách bờ 3 - 10 hải lý, ở độ sâu từ 20 - 60m. Thuyền thường ra khơi lúc rạng sáng, đến gần trưa thì quay về; chiều lại tiếp tục hành trình.
Mỗi ngày ra khơi chừng 4 tiếng, một thuyền gồm 3 lao động có thể bắt được từ 20 - 50kg cá cháo. Nếu may mắn bủa lưới trúng luồng cá lớn, có thể thu về gần 100kg trong một buổi.
Cá cháo được thương lái thu mua ngay tại bến với giá từ 70.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại.
Theo một số ngư dân địa phương, cá cháo có thân mềm, trước kia chỉ đánh bắt về làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Hơn chục năm nay, loài này được thị trường ưa chuộng, thương lái thu mua nhập cho nhà hàng, khách sạn...
Không chỉ tại các nhà hàng, cá cháo hiện cũng được nhiều người dân ưa chuộng. Loại cá này dùng chế biến các món ăn bổ dưỡng ngày lạnh như nấu canh rau cải với ớt cay, kho rau răm, làm lẩu...
Cá cháo đắt hàng nên thương lái phải cạnh tranh trả giá để cố thu gom được nhiều hơn. Từ giữa buổi sáng, hàng chục thương lái đã sẵn sàng xô, chậu... chờ chực tại bờ biển để thu mua cá cháo. Khi thuyền cập bến, họ cùng chủ thuyền gỡ lưới, phân loại cá rồi mua ngay tại bến.
"Trời mưa lạnh nên cá cháo càng đắt hàng, người dân tranh nhau mua về nấu canh, làm lẩu rất nhiều. Mấy hôm nay tôi đều mua được trên 50kg cá đi bán lẻ" - chị Phượng, một thương lái cho biết.
Đây là loại hải sản khó bảo quản. Cá có thân mềm nên việc gỡ cá khỏi lưới cũng được thực hiện cẩn thận, nhẹ nhàng tránh làm cá bị nát.
Theo anh Thành, thời điểm này mỗi lần ra khơi, trung bình một tàu thu gần 2 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí như nhân công, nhiên liệu. Việc đầu tư để đánh bắt cá cháo cũng đơn giản nên nhiều gia đình sắm 2 - 3 thuyền để ra khơi đánh cá.